Nông dân Tiên Phước chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn

NGUYỄN HƯNG 16/10/2022 18:35

(QNO) - Hội Nông dân huyện Tiên Phước vừa tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn”. Tại tọa đàm, nông dân chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng khu vườn an toàn, hiệu quả và chống chịu với thiên tai.

tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn”
Nông dân Tiên Phước tham dự tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn”. Ảnh: N.HƯNG

Ông Ngô Minh Hòa (thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ) cho biết, gia đình trồng khoảng 100 cây măng cụt xen kẽ với bưởi da xanh, sầu riêng, lòn bon, dó bầu... Trung bình mỗi năm gia đình thu gần 100 triệu đồng. Chia sẻ kỹ thuật trồng cây ăn quả, ông Hòa cho rằng ngoài chăm sóc, bón phân thì nguồn nước tưới rất quan trọng, nếu thiếu nước tỷ lệ cây trồng bị khô và chết rất cao.

“Trước khi trồng cây ăn quả, gia đình tôi khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước tưới tự động khắp khu vườn. Vào mùa nắng tôi che gốc, tưới nước giữ ẩm cho cây; mùa mưa các loại cỏ cây, lá bỏ trong gốc mục đi tạo nguồn phân hữu cơ giúp cây thêm xanh tốt” - ông Hòa nói.

Tiên Phước đang định hướng cho người dân phát triển cây măng cụt. Ảnh:N.HƯNG
Tiên Phước đang định hướng cho người dân phát triển cây măng cụt. Ảnh: N.HƯNG

Ông Phạm Đức Lễ (thôn 4, xã Tiên Lộc) cho biết, khu vườn 1,7ha của gia đình đang trồng 100 cây bưởi da xanh, 70 cây sầu riêng, 330 cây quýt đường và 70 cây bơ được 5 năm tuổi. Ông đầu tư hệ thống nước tưới khá bài bản, đảm bảo tưới quanh năm. Hiện khu vườn bắt đầu cho thu hoạch, dự tính mỗi vụ thu hơn 70 triệu đồng.

“Đối với cây quýt đường nên trồng khoảng cách gần nhau, khi gió bão cây nương tựa vào nhau ít bị gãy đổ, trốc gốc. Đối với sầu siêng, măng cụt, bơ... thì cây lên cao khoảng 3,5m tiến hành bấm ngọn, tỉa cành và trồng trụ bê tông, dùng dây thừng chằng chống - neo níu xung quanh cây sẽ hạn chế được gãy đổ khi mưa bão” - ông Lễ chia sẻ.

Ông Phạm Đức Lễ, thôn 4, Tiên Lộc chăm sóc bưởi da xanh. Ảnh.N:HƯNG
Ông Phạm Đức Lễ (thôn 4, xã Tiên Lộc) chăm sóc bưởi da xanh. Ảnh: N.HƯNG

Ông Thái Nguyên Khoa (thôn Hữu Lâm, thị trấn Tiên Kỳ) là một trong những hộ trồng sầu riêng quy mô lớn nhất Tiên Phước, tuy nhiên cơn bão năm 2020 gây thiệt hại đáng kể cho khu vườn. Hiện ông Khoa chuyển sang phát triển 100 gốc măng cụt và trồng một số loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Khoa chia sẻ:Măng cụt thuộc nhóm cây lâu năm, tuy nhiên nếu chăm sóc tốt thì khoảng 5 - 6 năm có thể ra quả. Bình quân mỗi vụ, cây khoảng 20 - 25 năm tuổi đạt năng suất 50kg quả, cây hơn 30 năm tuổi cho 100kg quả. Khu vườn tôi trồng măng cụt, sầu riêng xen kẽ với một số loại cây ăn quả ngắn ngày như chuối, cam, ổi... vừa lấy bóng mát che măng cụt, vừa tạo thêm nguồn thu nhập”.

Kinh tế vườn đem lại nguồn thu nhập chính cho nông dân Tiên Phước. Ảnh:N.HƯNG
Tham quan mô hình kinh tế vườn hiệu quả ở Tiên Phước. Ảnh: N.HƯNG

Tại tọa đàm, ông Phan Văn Dương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước đề nghị Hội Nông dân huyện tiếp thu những chia sẻ quý báu của hội viên nông dân. Từ đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện làm vườn đạt hiệu quả.

“Huyện tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Huyện ủy sẽ chỉ đạo UBND huyện tranh thủ các nguồn vốn, cơ chế, chính sách ngoài chế hỗ trợ theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh để tạo điều kiện cho người nông dân- ông Dương nói.

Tiên Phước hiện có khoảng 81ha tiêu (hơn 52ha cho trái), 225ha thanh trà (hơn 140ha ra quả), 465ha măng cụt (gần 61ha ra quả), khoảng 300ha lòn bon (120ha cho quả)... Người dân đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh.

NGUYỄN HƯNG