Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh làm việc với huyện Duy Xuyên

MAI NHI 04/10/2022 14:20

(QNO) – Sáng nay 4.10, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Duy Xuyên liên quan tình hình thực hiện Nghị quyết số 32 (ngày 29.9.2021) của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt giai đoạn 2021 – 2025 và tình trạng phát triển chăn nuôi trên địa bàn, quan điểm của địa phương về dự thảo đề án quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.

Quang cảnh cuộc làm việc diễn ra sáng nay 4.10.   Ảnh: M.N
Quang cảnh cuộc làm việc diễn ra sáng nay 4.10. Ảnh: M.N

Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện UBND huyện Duy Xuyên cho biết, căn cứ Quyết định số 2830 (ngày 6.10.2021) của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh, UBND huyện Duy Xuyên đã tổ chức triển khai cho UBND 14 xã, thị trấn trên địa bàn.

Trên cơ sở danh sách đăng ký của các địa phương, ngày 12.1.2022 UBND huyện Duy Xuyên ban hành Quyết định số 385 phê duyệt hỗ trợ 54 hộ dân có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà tránh trú bão, lụt. Tính đến tháng 9.2022, đã triển khai thực hiện 5 nhà (trong đó có 4 nhà đã xong và đã quyết toán, 1 nhà mới khởi công). Tổng kinh phí hỗ trợ cho 4 nhà đã xây mới và sửa chữa xong là 136,5 triệu đồng, gồm 40 triệu đồng từ ngân sách nhà nước và 96,5 triệu đồng huy động từ các nguồn khác.

Lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên phát biểu tại buổi làm việc.    Ảnh: M.N
Lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: M.N

Lãnh đạo huyện Duy Xuyên cho rằng, địa phương có địa hình khá phức tạp, nhà dân nằm dọc hệ thống sông Thu Bồn, ở vùng hạ lưu, cửa biển nên sự ảnh hưởng các yếu tố bất lợi của thời tiết là rất lớn. Việc xây dựng, sửa chữa nhà nhất thiết phải được kiên cố, cứng hóa bằng bê tông cần nhiều kinh phí.

Tuy nhiên, các hộ dân có nhà có nguy cơ sụp đổ, xuống cấp, chưa kiên cố, chưa có sàn... phần lớn thuộc nhóm đối tượng yếu thế, nguồn huy động khác không có, chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ chính từ ngân sách và các mạnh thường quân, trong khi đó giá cả vật liệu, nhân công cao, không đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể có nơi chưa đủ mạnh, chưa phát huy sức mạnh cộng đồng để hỗ trợ người yếu thế.

Phần lớn người dân Duy Xuyên phát triển chăn nuôi theo hình thức nông hộ với quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo môi trường và vệ sinh thú y.   Ảnh: M.N
Phần lớn người dân Duy Xuyên phát triển chăn nuôi theo hình thức nông hộ với quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo môi trường và vệ sinh thú y. Ảnh: M.N

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay trên địa bàn 14 xã, thị trấn của Duy Xuyên có khoảng 51.544 con gia súc và 611.210 con gia cầm các loại. Hầu hết người dân chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ trong nông hộ, không đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh thú y nên những năm qua dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ.

Thời gian qua, UBND thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) tiến hành rà soát các cơ sở chăn nuôi hiện có tại 3 khối phố, gồm: Long Xuyên 1, Long Xuyên 2, Mỹ Hòa. Thống kê cho thấy, tại 3 khối phố nêu trên, hiện có 97 cơ sở chăn nuôi với tổng số vật nuôi là 197 con (gồm 3 con trâu, 104 con bò, 90 con heo) và nuôi gia cầm chỉ rải rác, số lượng không nhiều.

Những năm qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi gây thiệt hại không nhỏ đối với người chăn nuôi trên địa bàn Duy Xuyên.   Ảnh: M.N
Những năm qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi gây thiệt hại không nhỏ đối với người chăn nuôi trên địa bàn Duy Xuyên. Ảnh: M.N

Nhìn chung, chăn nuôi tại các khối phố trên có xu hướng giảm dần, thuận tiện cho việc thực hiện quy định không được phép chăn nuôi theo lộ trình và kết thúc vào cuối năm 2025...

MAI NHI