Đưa chuyển đổi số đến nông dân

PHƯƠNG THUẬN 20/09/2022 06:42

Góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo để tuyên truyền, trang bị kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ và hội viên.

Hội Nông dân tỉnh trổ chức lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.T
Hội Nông dân tỉnh trổ chức lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.T

Tích cực đồng hành

Hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam lần thứ III năm 2022 được Hội Nông dân tỉnh tổ chức thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Đây là dịp quan trọng để Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích của chuyển đổi số (CĐS) đến mọi người.

Theo đó, hội đã phối hợp với các đơn vị để hướng dẫn cài đặt ứng dụng “Smart Quang Nam” nhằm kết nối người dân và doanh nghiệp với chính quyền. Thông qua ứng dụng này hội viên nông dân có thể cập nhật thông tin, tra cứu các tiện ích cơ bản, thanh toán các dịch vụ thiết yếu, phản ánh các bất cập để chính quyền xử lý, theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả công việc của chính quyền mọi lúc, mọi nơi một cách thuận tiện, kịp thời và chính xác.

Bà Criêng Manh - nông dân huyện Nam Giang chia sẻ: “Sau khi được tập huấn, tôi biết cách áp dụng và thấy được nhiều lợi ích do CĐS đem lại. Như khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Posmart của Bưu điện, tôi thấy sản phẩm mình được quảng bá rộng rãi khắp các tỉnh thành đất nước, giảm được chi phí và rút ngắn được thời gian bán hàng. Tôi ấn tượng nhất là khi được giới thiệu về app “Smart Quảng Nam”, trên đây có rất nhiều thông tin hữu ích về sản xuất nông nghiệp, cảnh báo mưu lũ…”.

Ngoài tập huấn cách đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân tỉnh chú trọng phối hợp với các đơn vị hướng dẫn về hiệu quả các nền tảng số như sử dụng tiện ích của dịch vụ mobile money, khai thác các chức năng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số trên ứng dụng “Smart Quảng Nam”.

Qua đó giúp cho cán bộ và hội viên nông dân nắm được sức mạnh của công nghệ số đối với đời sống, sản xuất. Đồng thời thu hút nông dân xứ Quảng tích cực đồng hành và ứng dụng CĐS để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện công tác CĐS trong nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Phú Ninh đã phối hợp cùng Bưu điện huyện tiến hành rà soát các thông tin của từng chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, nắm toàn bộ thông tin và hướng dẫn cho nông dân đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử.

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Phú Ninh sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn hội viên đưa tất cả sản phẩm có tiềm năng lên các sàn thương mại điện tử, đồng thời liên kết mở trang web cho từng chủ thể để có thêm nhiều kênh bán hàng” - ông Võ Thanh Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh nói.

Thay đổi tư duy

Quảng Nam đang hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, tự động hóa quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến; xây dựng nhật ký điện tử, số hóa dữ liệu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... các sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là vận động nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh nông sản và phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp; tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Từ đây sẽ mở sang trang mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn Quảng Nam.

Ông Nguyễn Văn Thận - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo tổ chức hội các cấp và hội viên hưởng ứng thực hiện CĐS.

Hội đã mở nhiều lớp trang bị kỹ năng, kiến thức về CĐS trong phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân cho hội viên, chủ thể OCOP, chủ thể làm ra sản phẩm nông nghiệp nắm bắt và đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử.

Ngoài các nội dung chính trong trang bị kiến thức về CĐS cho hội viên, Hội Nông dân tỉnh còn chú trọng hướng dẫn, giới thiệu ứng dụng “Smart Quang Nam” để người dân nhanh chóng nắm bắt được các thông tin về kinh tế - xã hội cũng như các cảnh báo về mưa lũ trên địa bàn.

“Hội Nông dân đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hội viên về mục đích, lợi ích của công tác CĐS. Việc lồng ghép công tác truyền thông vào hội chợ để trang bị kỹ năng, kiến thức cho các cấp hội và bà con nông dân có ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Thông qua các nền tảng số cũng là cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, các chủ trang trại, hộ nông dân trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy cơ hội kích cầu, đầu tư, liên kết, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn” - ông Nguyễn Văn Thận nói.

PHƯƠNG THUẬN