Bảo tồn nguồn gen heo cỏ miền núi Quảng Nam

HOÀNG LIÊN 13/09/2022 06:49

TS.Lương Thị Thủy - Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam và cộng sự đã xây dựng một số mô hình nuôi heo cỏ nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen bản địa.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam triển khai mô hình bảo tồn gen heo cỏ. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam triển khai mô hình bảo tồn gen heo cỏ. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Bảo tồn gen heo cỏ

Qua 7 năm triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, TS.Lương Thị Thủy và cộng sự đã điều tra, đánh giá thực trạng đàn heo cỏ, chọn lọc con giống nhằm thuần chủng, bảo tồn gen quý, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai tại các huyện miền núi như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các giai đoạn thuần chủng, bảo tồn nguồn gen heo cỏ qua chọn lọc từ quần thể trong cộng đồng nuôi bảo tồn.

Từ nguồn giống thuần chủng tại các mô hình bảo tồn, nhóm nghiên cứu nhân rộng để nuôi phát triển heo cỏ thuần chủng. Tiếp tục chọn lọc, sưu tầm, đưa vào nuôi ở quy mô nông hộ theo mô hình gia trại nhỏ để xây dựng mô hình nuôi trong dân ở thế hệ thứ nhất với số lượng 60 cá thể nhằm giữ và làm công tác giống.

Theo TS.Lương Thị Thủy, heo cỏ là giống bản địa của người dân miền núi Quảng Nam nói chung và người dân tộc ít người vùng núi nói riêng. Heo cỏ có trọng lượng trưởng thành nhỏ, có nhiều tập tính của động vật hoang dã như tính bầy đàn, có khả năng tự kiếm ăn, khả năng kháng bệnh tốt, thịt thơm ngon.

Song, nhiều năm qua, sự tạp giao ngẫu nhiên dẫn đến cận huyết và suy thoái về giống, hiệu quả chăn nuôi thấp. Mặt khác, xu hướng lai kinh tế giữa các giống khác nhau nhằm tạo ra sản phẩm đa dạng cũng là yếu tố làm mất dần tính thuần chủng của nguồn gen heo cỏ.

“Việc sưu tầm, chọn lọc và thuần chủng nguồn gen heo cỏ dựa vào ngoại hình và gia phả sau khi chọn lọc, đưa vào nuôi bảo tồn nguyên vị theo phương pháp bán chăn thả tại các nông hộ nuôi heo cỏ để đánh giá các chỉ tiêu nghiên cứu. Chúng tôi đã số hóa các dữ liệu về hiện trạng của đàn heo cỏ và lập bản đồ phân bố để có kế hoạch quản lý, bảo tồn” - TS.Thủy chia sẻ.

Giống heo cỏ miền núi. Ảnh: H.L
Giống heo cỏ miền núi. Ảnh: H.L

Theo ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức, địa phương đã kế thừa thành quả đề tài nghiên cứu của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam và đã có những kết quả ban đầu. Trên địa bàn huyện, nguồn gen mai một dần nên khi khôi phục được giống heo cỏ, rất đáng quý.

Cuối năm 2021 đến nay, từ nguồn khuyến nông của huyện, trung tâm đã tiếp tục triển khai thêm 6 mô hình nuôi ở 3 xã vùng cao Sông Trà, Phước Trà và Phước Gia, mỗi xã 2 mô hình. Mỗi hộ dân được chọn triển khai mô hình nuôi bảo tồn được hỗ trợ 3 con cái và cứ 2 hộ nuôi liền kề trong 1 xã được hỗ trợ thêm 1 đực giống để tiếp tục nhân đàn.

Theo ông Hòa, hiện 3 hộ đã gầy được đàn heo giống như Hồ Thị Thừa (Sông Trà), Hồ Thị Nương, Nguyễn Văn Lý (xã Phước Gia); 2 hộ ở xã Sông Trà đàn heo cỏ đã đẻ lứa đầu tiên và được người dân giữ giống nhân đàn.

Duy trì và nhân rộng mô hình

TS.Lê Văn Thu, thành viên Hội đồng nghiệm thu Sở KH&CN cho rằng, các mô hình bảo tồn và phát triển nguồn gen còn gặp khó khăn, nhiều công trình nghiệm thu đạt nhưng khi đi vào thực tiễn lại khó do nhiều nguyên nhân. Đơn cử, nhóm hộ nuôi bảo tồn có xu hướng chuyển đổi hướng nuôi, nguy cơ thuần chủng rất khó khăn bởi giá cả, lợi nhuận chưa cao.

Vì vậy, cần bổ sung kiến nghị phương án bảo tồn và phát triển nguồn gen đối với các trạm kỹ thuật nông nghiệp và ngành nông nghiệp địa phương để nâng cao hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ KH&CN sau khi kết thúc.

Bà Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ, việc bảo tồn nguồn gen hiện chủ yếu ở trong dân nên thiếu bền vững. Hầu hết các đề tài, nhiệm vụ chưa có sự cam kết giữa người dân với Nhà nước, nhà khoa học, nhằm đảm bảo kết quả từ các nghiên cứu, mô hình được duy trì, phát huy sau khi kết thúc, nghiệm thu đề tài.

Vì vậy, các địa phương, sở ngành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị và cá nhân hưởng lợi tiếp tục duy trì, sản xuất và cung ứng giống, hướng tới nuôi thương phẩm. Cần tiếp tục hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nuôi để làm cơ sở chuyển giao, ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, nguồn thức ăn cho vật nuôi chiếm 70% tổng chi phí, do vậy đòi hỏi nuôi heo cỏ phải sử dụng thức ăn bản địa, phụ phẩm từ nông nghiệp mới đáp ứng được chất lượng thịt và mới có thể trở thành đặc sản bản địa...

HOÀNG LIÊN