Thuần chủng nguồn gen heo cỏ, gà tre bản địa Quảng Nam
(QNO) - Ngày 25.8, Sở KH&CN tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Thuần chủng nguồn gen heo cỏ Sus domesticus, gà tre Gallus sp tỉnh Quảng Nam”. Đây là nhiệm vụ KH&CN bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh do Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam chủ trì, TS. Lương Thị Thủy chủ nhiệm.
TS. Lương Thị Thủy và cộng sự tiến hành điều tra và chọn lọc nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý hiếm heo cỏ bản địa Sus domesticus, gà tre Gallus sp có giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam; đánh giá thực trạng đàn heo cỏ Sus domesticus, gà tre Gallus sp; chọn lọc, khôi phục và thuần chủng giống heo cỏ, gà tre thông qua việc xây dựng mô hình từ nguồn giống trong nhân dân nhằm thuần chủng có hiệu quả và phát triển bền vững nguồn gen quý.
Nhóm cũng khảo sát, đánh giá các đặc điểm ngoại hình, sinh trưởng, sinh sản của heo cỏ, gà tre; xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật nuôi heo cỏ, gà tre tại các địa phương; đồng thời đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển nguồn gen heo cỏ, gà tre tại Quảng Nam. Nghiên cứu trên góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen quý trong hệ thống đa dạng sinh học nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Heo cỏ thuộc phạm vi nghiên cứu, bảo tồn gen của đề tài có phân bố tại 9 huyện miền núi (32 xã) gồm: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn. Đối tượng gà tre phân bố tại 3 huyện gồm: Nông Sơn, Quế Sơn và Tiên Phước.
Quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 6 mô hình nuôi bảo tồn giống heo cỏ tại 6 hộ thuộc 6 huyện miền núi và trung du, 15 mô hình nuôi giống gà tre tại 15 hộ ở các huyện miền núi; đồng thời tập huấn kỹ thuật nuôi gà tre và heo cỏ cho người dân thuộc phạm vi hỗ trợ triển khai của đề tài.