Đại Lộc đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn
Gần đây, phong trào phát triển kinh tế vườn ở Đại Lộc xuất hiện nhiều mô hình nổi bật, hiệu quả kinh tế cao.
Khuyến khích phát triển kinh tế vườn
Tại Đại Lộc, phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi, phát triển trang trại gần đây được đẩy mạnh. Người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV-KTTT) mang hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như các vườn cây ăn quả tại thôn Thái Chấn Sơn (Đại Hưng), thôn Phương Trung (Đại Quang), thôn Gia Huệ (Đại Minh), thôn Phú Mỹ (Đại Hiệp)…
Theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, huyện Đại Lộc xây dựng “Đề án phát triển KTV-KTTT trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025” với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển KTV-KTTT, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa các khâu sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp. Đại Lộc hiện có khoảng 872ha đất vườn đồi, đa số vườn trên địa bàn là vườn nhỏ dưới 1.000m2, chỉ 15 - 20% số vườn có tổng diện tích trên 1.000m2.
Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, thời gian qua, huyện đã lồng ghép nhiều cơ chế, chính sách, chương trình của Trung ương, của tỉnh tạo động lực cho KTV-KTTT. Giai đoạn 2016 - 2021, Phòng NN&PTNT huyện được giao chủ trì xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp, đạt hiệu quả cao như trồng cây ăn quả thâm canh tại Đại Hưng, Đại Quang; chăn nuôi bò trên nền đệm lót sinh thái; trồng rừng gỗ lớn thâm canh với quy mô 100ha.
Ngành nông nghiệp lồng ghép các nguồn hỗ trợ từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình OCOP, Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi”... nhằm phát triển KTV-KTTT. Song, khó khăn là diện tích đất đai còn manh mún, phân tán, vườn có diện tích nhỏ gặp khó trong khâu quy hoạch và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, thị trường tiêu thụ không ổn định, liên kết còn hạn chế...
Trợ lực cho nông dân
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, tiêu chí để được hỗ trợ từ Nghị quyết 35 và Đề án phát triển KTV-KTTT của huyện là chủ hộ phải có vườn đủ tiêu chuẩn 1.000m2 trở lên. Có 4 xã triển khai theo tinh thần Nghị quyết 35 và Đề án của huyện năm 2022 gồm Đại Tân, Đại Thạnh, Đại Thắng và Đại Hưng.
Đại Thạnh là một trong 4 địa phương tập trung phát triển KTV trong năm 2022. Chủ trương của xã là chú trọng, ưu tiên phát triển đối với các loại cây ăn quả như dừa, sapoche, bưởi da xanh... phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.
Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết, hiệu quả từ KTV hiện chỉ mới ở bước đầu. Một số mô hình trồng cây ăn quả đã hình thành từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trên địa bàn xã đã có một số vườn chuyên trồng chè An Bằng với tổng diện tích 30ha, thu hút chừng 100 hộ trồng.
Cũng theo bà Nam, từ sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT và cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết 35, Đại Thạnh phấn đấu xây dựng 100 vườn cây ăn quả vào năm 2025. “Bước đầu, công tác vận động người dân hưởng ứng Nghị quyết 35 và Đề án phát triển KTV-KTTT tại địa phương còn khó khăn. Ban đầu, có 30 chủ vườn đăng ký nhưng sau chỉ còn 20 chủ vườn tham gia vì bà con ngại cơ chế hỗ trợ sau đầu tư.