"Đòn bẩy" thoát nghèo
Từ nguồn chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nam Giang theo Nghị định số 78 của Chính phủ, hàng nghìn hộ đồng bào khó khăn trên địa bàn huyện có thêm điều kiện phát triển các mô hình sinh kế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Trợ lực cho người khó khăn
Sau thời gian vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) Nam Giang đầu tư trồng keo, đến nay bà Võ Thị Thu (thôn Thạnh Mỹ 2, thị trấn Thạnh Mỹ) đã có hơn 5ha keo đang chuẩn bị thu hoạch. Với bà Thu và nhiều hộ gia đình khó khăn khác tại địa phương, đây thực sự là tài sản lớn, góp thêm vào mục tiêu ổn định cuộc sống.
Bà Thu cho biết, trước đây, mặc dù có đất sản xuất nhưng do thiếu nguồn lực nên gia đình không thể đầu tư phát triển các mô hình sinh kế. Vài năm trở lại đây, đời sống quá khó khăn, nên khi có chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi, bà liên hệ đăng ký suất vay 50 triệu đồng để trồng keo trên đất rẫy. Sau thời gian chăm sóc, vườn keo nay cũng sắp đến đợt thu hoạch nên bà rất vui.
“Từ số tiền thu hoạch keo này, bên cạnh trả tiền vốn, tôi dự định sẽ mở rộng trồng thêm lứa keo thứ 2, đồng thời kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng. Hy vọng, vài năm nữa sẽ ổn định cuộc sống và thoát nghèo” - bà Thu chia sẻ.
Số liệu của Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Nam Giang cho thấy, từ các chương trình cho vay, đến nay, trên địa bàn huyện có 2.526 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết được 1.556 lao động có việc làm; hỗ trợ vốn vay cho 268 em học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, cải tạo và xây mới gần 538 căn nhà; trong đó, 533 căn cho hộ nghèo xóa nhà tạm và 5 căn nhà ở xã hội cho đối tượng chính sách. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 72,13% (năm 2005) xuống còn 50,40% (năm 2021 theo chuẩn nghèo mới)…
Là người trực tiếp tuyên truyền các chính sách ưu đãi của ngân hàng đến với người dân khó khăn, bà Mai Thị Sen - Tổ trưởng tổ tiết kiệm & vay vốn thôn Thạnh Mỹ 2 cho biết, những năm gần đây có rất nhiều hộ dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong việc đầu tư chăn nuôi, mở rộng dịch vụ phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Theo đó, ngoài hộ bà Võ Thị Thu, sau thời gian đầu tư phát triển kinh tế, nhiều hộ dân khác ở thôn cũng đang đón nhận tin vui. Tất cả là nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ từ Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện được triển khai có hiệu quả.
Như hộ bà Trần Thị Lợi vay 50 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò; hộ chị Hoàng Thị Bích vay vốn tạo điều kiện để con đến trường, xây dựng cuộc sống mới ấm no…
“Đồng hành với người khó khăn, tính đến cuối tháng 6.2022, tổng dư nợ thông qua Tổ tiết kiệm & vay vốn thôn Thạnh Mỹ 2 quản lý gần 3,1 tỷ đồng, với 58 hộ có dư nợ đang phát huy hiệu quả vốn đầu tư phát triển kinh tế” - bà Sen nói.
Góp mục tiêu thoát nghèo
Ông Kaphu Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho biết, địa phương luôn xem nguồn vốn vay như chính sách trợ lực giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
“Từ chất lượng sử dụng nguồn vốn vay của người dân thời gian qua cho thấy kinh nghiệm trong việc tuyên truyền và triển khai chương trình tín dụng của ngân hàng CSXH. Các nguồn vốn khi đưa về đều được quản lý chặt chẽ, rà soát đối tượng thụ hưởng một cách công khai, minh bạch và đúng mục đích sử dụng… Nhờ đó, chính sách này đã đem lại hiệu quả rõ nét, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững” - ông Tân nói.
Giám đốc Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện - Nguyễn Hữu Hải cho hay, với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, nhiều năm qua, đơn vị luôn chú trọng đến chất lượng hỗ trợ vốn vay ưu đãi và tạo mọi điều kiện cho người khó khăn tiếp cận chính sách.
Thông qua các đợt vay vốn, hàng nghìn người dân khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiếp cận, tạo trợ lực phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nhiều vốn vay được triển khai tận hộ dân khó khăn, đảm bảo quyền lợi, giúp ổn định cuộc sống.
Theo ông Hải, cùng với đẩy mạnh phương thức ủy thác linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của miền núi, thời gian qua, đơn vị chú trọng mở rộng mạng lưới hoạt động của tổ tiết kiệm & vay vốn tại các thôn, bản trên địa bàn huyện. Tổ này được ví như “cánh tay nối dài” của ngân hàng CSXH, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng một cách kịp thời, tạo hiệu quả kinh tế rõ nét cho người khó khăn.
“Đến nay, sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ, chúng tôi đã triển khai 11 chương trình cho vay, với doanh số cho vay đạt hơn 757 tỷ đồng, giúp hơn 18.960 lượt hộ dân hưởng hợi. Tính đến cuối tháng 6.2022, tổng dư nợ đạt hơn 197 tỷ đồng” - ông Hải nói.