Chủ động phòng trừ dịch hại trên lúa hè thu

MAI NHI 17/07/2022 04:29

(QNO) - Nhờ nguồn nước tưới cơ bản đảm bảo nên hầu hết diện tích lúa hè thu trên địa bàn tỉnh sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện nay trên nhiều xứ đồng đã có một số đối tượng sâu bệnh nguy hiểm phát sinh, gây hại.

Ông Lê Bình ở thôn Phước Viên (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) bón phân thúc đòng cho ruộng lúa. Ảnh: M.N
Ông Lê Bình ở thôn Phước Viên (xã Quế Trung, Nông Sơn) bón phân thúc đòng cho ruộng lúa. Ảnh: M.N

Có mặt trên nhiều xứ đồng của huyện miền núi Nông Sơn, chúng tôi thấy nông dân địa phương tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho những ruộng lúa hè thu đang thời kỳ đẻ nhánh rộ và đứng cái - làm đòng.

Ông Lê Bình ở thôn Phước Viên (xã Quế Trung, Nông Sơn) cho biết, so với hè thu năm trước thì vụ này tình hình nước tưới cho cây lúa nói riêng, các loại cây trồng khác nói chung không khó khăn lắm vì nhờ hồi đầu vụ các đập dâng tích đầy nước và thời gian qua trời thường có mưa vào buổi chiều.

“Nhờ nước tưới không thiếu hụt nên từ đầu vụ hè thu 2022 đến nay các ruộng lúa của tôi đều sinh trưởng tốt. Hiện giờ, cây lúa chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đòng nên tôi bón thúc phân để tăng chất dinh dưỡng, giúp đòng lúa phát triển to, trổ bông khỏe, cho năng suất cao. Tuy nhiên, từ nay đến cuối vụ tôi phải cảnh giác với các loại dịch hại trên ruộng lúa” - ông Lê Bình nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn cho hay, vụ hè thu năm nay nông dân trên địa bàn 6 xã sản xuất tổng cộng 801ha lúa, trong đó có 683ha chủ động nước tưới (chủ yếu cơ cấu các loại giống ĐT100, Bắc Thịnh, Đài thơm 8) và 118ha lúa nước trời (phần lớn sử dụng những loại giống HN6, KD18, Bắc Thịnh).

Theo ông Trần Văn Lưu, thời điểm này hầu hết ruộng lúa chủ động nước tưới đang thời kỳ đẻ nhánh rộ - đứng cái, còn lúa nước trời đang giai đoạn đứng cái - trổ. Tuy nhiên, qua kiểm tra ở nhiều vùng đã phát hiện chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, rầy nâu, sâu keo, bọ trĩ... gây hại rải rác.

“Hiện nay mức độ gây hại của các loại sâu bệnh đối với lúa không lớn. Tuy nhiên, thời gian tới ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương sẽ thường xuyên khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ hiệu quả những loại dịch hại có nguy cơ phát sinh mạnh trên ruộng lúa” - ông Lưu nói.

Nông dân vùng đông Quế Sơn phun thuốc trừ sâu bệnh gây hại lúa hè thu. Ảnh: M.N
Nông dân vùng đông Quế Sơn phun thuốc trừ sâu bệnh gây hại lúa hè thu. Ảnh: M.N

Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, hè thu 2022 này, nông dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố gieo sạ 41.751ha lúa (chủ yếu cơ cấu các loại giống như HT1, PC6, KD18, HN6, TH3-3, TH3-5, BC15, Thiên ưu 8...), tăng 251ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái. Trong số diện tích lúa nêu trên, có 37.041ha lúa nước và 4.710ha lúa rẫy.

Theo ngành chuyên môn, hiện nay 37.041ha lúa nước đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ - đứng cái - làm đòng - trổ. Hầu hết diện tích sinh trưởng và phát triển bình thường. Còn 4.710ha lúa rẫy đang ở giai đoạn mới gieo - đẻ nhánh và đứng cái - làm đòng (giống lúa Ba Trăng).

Qua khảo sát thực tế cho thấy, trong những ngày qua, một số loại sâu bệnh phát sinh và gây hại trên nhiều cánh đồng lúa của hầu hết địa phương. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, hiện nay tại Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn... có 135,2ha lúa đang đẻ nhánh và đứng cái - làm đòng bị chuột cắn phá với tỷ lệ hại trung bình 3 - 5%, nơi cao 10% (Điện Bàn).

Trong khi đó, bệnh khô vằn phát sinh và gây hại cục bộ ở một số chân ruộng trũng, sạ dày, bón thừa đạm của các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh, Hiệp Đức. Đến nay, tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn trên toàn tỉnh là 26,5ha với tỷ lệ hại trung bình 3 - 5%, nơi cao 10%.

Những ngày qua, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng phát sinh và gây hại rải rác ở nhiều địa phương. Mật độ rầy xuất hiện trên ruộng lúa trung bình 20 - 50 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2 (Đại Lộc, Hiệp Đức). Không chỉ vậy, bọ trĩ đã phát sinh và gây hại trên lúa sạ muộn ở Phú Ninh, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Hội An... với tỷ lệ hại trung bình 3 - 5%, nơi cao 7 - 10% (Hiệp Đức).

Đáng chú ý là, trong vụ hè thu năm trước, vào thời điểm này Quảng Nam không có diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ trĩ.

Ngoài ra, các đối tượng dịch hại khác như ốc bươu vàng, ruồi đục nõn, sâu keo, sâu cuốn lá nhỏ... cũng gây hại rải rác lúa hè thu ở các địa phương. Bọ xít đen phát sinh tại Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh; bệnh đạo ôn lá phát sinh ở Tiên Phước, Duy Xuyên; sâu đục thân gây hại rải rác ở Thăng Bình; hiện tượng ngộ độc phèn xảy ra ở Thăng Bình và Núi Thành.

Sâu bệnh gây hại bắp, đậu phụng

Vụ hè thu năm nay nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất 4.829ha bắp (chủ yếu sử dụng các giống bắp như HN88, PAC999, PAC339, DK6919, NK7328) và 965ha đậu phụng (phần lớn diện tích cơ cấu những giống đậu phụng sẻ địa phương, L14, tứ quý). Hiện nay, cây bắp trong giai đoạn 7 - 9 lá, trổ cờ - phun râu, trái non. Còn đậu phụng trong thời kỳ phân cành, ra hoa, lớn quả.

Những ngày qua, sâu keo mùa thu, sâu xanh ăn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn đã phát sinh và gây hại rải rác trên cây bắp ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ, Nông Sơn, Đại Lộc. Trong khi đó, bệnh héo xanh vi khuẩn, đốm lá, sâu xám, sâu ăn lá gây hại rải rác trên cây đậu phụng ở Tam Kỳ...

MAI NHI