Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Bắc Trà My: Nhiều mô hình hiệu quả
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Bắc Trà My những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Năm 2018, gia đình ông Tăng Ngọc Anh (tổ dân phố Đàng Bộ, thị trấn Trà My) cải tạo vườn nhà trồng cây ăn quả và nuôi heo đen bản địa. Mô hình nuôi heo đen bản địa cho hiệu quả kinh tế trong năm đầu tiên, ông Anh mạnh dạn vay vốn đầu tư mở trang trại rộng 4ha. Trang trại chia từng khu vực trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với nguồn nước và đảm bảo chất thải không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Anh chia sẻ: “Trang trại của tôi đang nuôi 100 con heo đen bản địa, 10 con bò sinh sản; 300m2 mặt nước nuôi cá và ốc bưu đen; 1ha trồng cây ăn quả. Từ trang trại này, gia đình có thể thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Đến nay, gia đình đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera cho từng khu vực trong trang trại để giám sát và quản lý”.
Chịu khó học hỏi và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng của gia đình bà Đào Thị Thanh (thôn Tân Hiệp, xã Trà Sơn) cho thu nhập ổn định, bình quân hơn 150 triệu đồng/năm. Từ hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình bà Thanh dần khấm khá, có điều kiện quyên góp giúp đỡ các trường hợp khó khăn đột xuất trong thôn.
Bà Thanh cho biết, gia đình duy trì thường xuyên 15 con heo nái, 80 con heo thịt; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên 3ha, với các loại mít thái, thanh trà, bưởi da xanh, cam, bơ, sầu riêng và 5ha keo.
“Với vai trò Chi hội phó Nông dân thôn Tân Hiệp, tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và vận động hội viên nông dân trong thôn tích cực lao động sản xuất, tham gia hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” - bà Thanh nói.
Giai đoạn 2020 – 2022, Bắc Trà My có 3.939 lượt hộ được công nhận danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (vượt 6,94% so với chỉ tiêu Hội Nông dân tỉnh giao). Trong đó, đạt danh hiệu cấp Trung ương là 22 lượt hộ, cấp tỉnh 274 lượt hộ, cấp huyện 1.245 lượt hộ và cấp xã 2.389 lượt hộ. Các địa phương có tỷ lệ đăng ký và đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cao là xã Trà Giang, Trà Tân, Trà Đông, Trà Dương và thị trấn Trà My.
Tại Bắc Trà My, thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đạt kết quả tích cực qua việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Cụ thể, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh 3 năm liền (giai đoạn 2020 - 2022), với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng, hộ ông Nguyễn Văn Chín (thôn 1, xã Trà Giang) duy trì thường xuyên đàn bò thịt 30 con; 100 con heo thịt, heo nái sinh sản; 1.200 con gà thịt và giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương.
Đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương 3 năm liền (giai đoạn 2020 - 2022), mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Quảng Hiệp (thôn Dương Trung, xã Trà Dương) - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Trà Dương duy trì đàn gà thả vườn 2.500con; 3,5ha cam sành, cam đường đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Hộ ông Đinh Văn Hoàng (thôn 1, xã Trà Tân) đã vươn lên thoát nghèo bằng mô hình dịch vụ tạp hóa, vận chuyển hàng hóa và chăn nuôi…
Xây dựng nông thôn mới
Theo ông Triệu Văn Quý - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Trà My, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần củng cố vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông dân trên địa bàn huyện. Qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiêu biểu và ngày càng được nhân rộng trong hội viên nông dân.
Thông qua việc học tập, trao đổi kinh nghiệm, phong trào đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong hội viên nông dân, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Ông Quý cho hay, trong xây dựng nông thôn mới, nông dân ngày càng tự giác tham gia thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Giai đoạn 2020 - 2022, hội viên nông dân đã đóng góp hàng trăm ngày công lao động để duy tu, bảo dưỡng và làm mới 34km kênh mương nội đồng; sửa chữa 4 cầu, cống, đập bổi đảm bảo nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Trên 300 hộ nông dân tự nguyện hiến hơn 26.420m2 đất, cây cối để xây dựng các công trình công cộng; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…
Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Trà My đánh giá, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong nhiều năm qua đã góp phần tạo chuyển biến bộ mặt nông thôn mới trên địa bàn các xã, cùng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Tận dụng điều kiện sẵn có, nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư kết hợp kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng, tìm tòi ứng dụng kỹ thuật, cây con giống vào sản xuất hiệu quả và trở thành những hộ giàu có.
Nêu ra mặt còn hạn chế của phong trào, ông Sơn bày tỏ sự băn khoăn khi hầu hết mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện tập trung ở 6 xã có điều kiện thuận lợi, chủ yếu là người Kinh sinh sống. Ngược lại, ở 7 xã có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện khó khăn thì các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi còn rất hạn chế.
Nhiều hộ có đất rộng, lên tới cả 10ha nhưng không biết làm ăn, nên cuộc sống vẫn cứ nghèo khó. Do đó, các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể phải cùng vào cuộc vận động, kèm cặp, hướng dẫn hộ nông dân ở các địa phương này cách làm kinh tế hiệu quả theo định hướng quy hoạch phát triển kinh tế vùng của huyện.
“Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi cần phải được nhân rộng về các địa bàn khó khăn, tạo sự lan tỏa về cách làm ăn mới, khơi dậy quyết tâm vươn lên thoát nghèo và làm giàu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Có như vậy, công tác giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 mới đạt hiệu quả” - ông Sơn nói.