Hướng mở cho nghề trồng dâu nuôi tằm

NHÃ PHƯƠNG 14/06/2022 10:00

Gần đây, Quảng Nam phối hợp với các cơ quan chuyên môn sản xuất khảo nghiệm để xác định bộ giống dâu tằm phù hợp nhằm giúp các doanh nghiệp, nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế.

Xác định bộ giống dâu và tằm phù hợp điều kiện sinh thái sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Ảnh: PV
Xác định bộ giống dâu và tằm phù hợp điều kiện sinh thái sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Ảnh: PV

Bỏ nghề vì hiệu quả thấp

Ths. Lê Thị Hường - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cho biết, Quảng Nam là địa phương có điều kiện khí hậu, đất đai rất phù hợp cho việc phát triển mạnh nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Qua khảo sát cho thấy, tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh khoảng 105.600ha, trong đó đất có thể trồng dâu là 11.600ha.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam vốn cực thịnh đã dần bị mai một vào cuối thế kỷ trước. Năm 1997, diện tích dâu cả tỉnh giảm còn hơn 300ha, sau đó có phục hồi vào giai đoạn 2004 - 2005 nhưng diện tích dâu cũng chỉ khoảng 500ha.

Người dân nhiều nơi trồng dâu xen canh, gối vụ với các loại cây trồng khác như ớt, đậu cô ve, dưa hấu... nên việc chăm sóc cây dâu bị hạn chế, chưa được đầu tư thâm canh đúng mức.

“Có thể nói, hiện nay nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Quảng Nam gần như đã mất, chỉ còn rải rác tại Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc. Tuy nhiên, người dân nuôi tằm để bán tằm chín và nhộng làm thực phẩm là chủ yếu. Thu nhập từ nghề này khoảng 4,8 - 5 triệu đồng/sào dâu” - Ths. Lê Thị Hường nói.

Theo Ths. Lê Thị Hường, đối với những hộ dân có diện tích nhà nuôi tằm nhỏ muốn mở rộng quy mô nuôi tằm thì có thể sử dụng khay trượt để nuôi tằm lớn. Nuôi tằm trên khay trượt cho các yếu tố về sức sống tằm, nhộng, năng suất kén cao hơn nuôi trên nong và trên nền nhà. Cụ thể, sức sống tằm nhộng đạt 89,8%, năng suất kén đạt 14,24kg/vòng, hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tằm lớn trên nong khoảng 5,3 triệu đồng/năm...

Nhiều ý kiến cho rằng, có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm và mất đi nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống tại Quảng Nam. Trong đó, phải kể đến nguyên nhân khách quan là hiệu quả kinh tế của nghề sản xuất dâu tằm sụt giảm so với các loại cây trồng khác.

Theo Ths. Lê Thị Hường, hiện ở Quảng Nam đều là những giống dâu địa phương, nhân giống vô tính, tỷ lệ sống thấp, chịu hạn kém nên năng suất, chất lượng lá dâu thấp.

Về giống tằm nuôi, Quảng Nam không có cơ sở sản xuất trứng giống tằm nào nên hoàn toàn phải nhập trứng tằm từ miền Bắc và trứng tằm của Trung Quốc do tư thương cung ứng, lại vận chuyển xa, không đảm bảo quy trình dẫn đến chất lượng trứng không đảm bảo và không chủ động. Vấn đề đáng quan tâm nữa là, trình độ tay nghề của nông dân còn nhiều hạn chế, chưa được tiếp cận nhiều với các tiến bộ kỹ thuât về dâu tằm tơ.

Người dân trồng dâu nuôi tằm ở đây phần lớn vẫn theo kinh nghiệm, trong khi rất ít cán bộ kỹ thuật của địa phương có chuyên môn dâu tằm. Thời tiết của Quảng Nam rất khắc nghiệt, nhất là nắng nóng và đất trồng dâu phần lớn nghèo dinh dưỡng nên năng suất, chất lượng lá rất thấp. Việc nuôi tằm cũng lắm khó khăn do bị bệnh nhiều, năng suất kén thấp.

Nâng cao chất lượng nguồn giống được xác định là bước đột phá giúp nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa phát triển mạnh mẽ. Ảnh: PV
Nâng cao chất lượng nguồn giống được xác định là bước đột phá giúp nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa phát triển mạnh mẽ. Ảnh: PV

Tạo bước chuyển từ nguồn giống

TS. Nguyễn Quang Hải - Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, để khôi phục và phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam, vấn đề cấp thiết là phải cải tiến, lựa chọn giống dâu, giống tằm phù hợp với mùa vụ của tỉnh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lá dâu, kén tằm.

Theo TS. Hải, trong 3 năm 2019 - 2021, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa và Sở Khoa học và công nghệ Quảng Nam tổ chức sản xuất thử nghiệm nhiều giống dâu, giống tằm mới ở một số vùng trồng dâu nuôi tằm của tỉnh như xã Điện Quang (Điện Bàn), Duy Châu (Duy Xuyên).

Từ đó, xác định bộ giống dâu và tằm phù hợp điều kiện sinh thái tại các vùng. Đây là nội dung thuộc đề tài “Nghiên cứu giải pháp đồng bộ để phát triển trồng dâu, nuôi tằm gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn Quảng Nam” trong kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2018 đã được UBND tỉnh phê duyệt và giao cho Viện Thổ nhưỡng nông hóa thực hiện.

“Kết quả đánh giá thử nghiệm cho thấy, các giống dâu lai F1 phù hợp với điều kiện sinh thái của Quảng Nam, năng suất lá cao hơn các giống dâu cũ của địa phương từ 30 - 40%, chất lượng lá tốt hơn. Một số giống tằm mới chọn tạo cũng cho kết quả tốt, tằm dễ nuôi hơn, năng suất kén cao hơn giống tằm nhập nội của Trung Quốc” - ông Hải nói.

Ths. Đỗ Văn Nguyên - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cho hay, qua sản xuất khảo nghiệm 5 loại giống dâu mới tại xã Duy Châu (Duy Xuyên) từ năm 2019 - 2021, các đơn vị liên quan đã xác định được 3 loại giống dâu trồng thâm canh đạt hiệu quả cao tại Quảng Nam, gồm: VH15, GQ2, S7CB. Mật độ trồng bình quân khoảng 50 nghìn cây/ha, năng suất lá năm thứ 2 đạt từ 34,39 - 36,85 tấn/ha. Ba giống dâu vừa nêu đều trồng hạt, thời vụ trồng từ tháng 11 âm lịch năm nay đến tháng 8 âm lịch năm sau.

Ths. Lê Thị Hường thông tin, qua nhiều đợt sản xuất khảo nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương đã xác định cơ cấu giống tằm nuôi thích hợp tại Quảng Nam là: Vụ xuân và thu nuôi 3 giống tằm lưỡng hệ kén trắng gồm GQ1235, LĐ09, LQ2; sức sống tằm đạt 80 - 87%, năng suất kén đạt từ 13 - 15kg/vòng trứng, khối lượng toàn kén đạt từ 1,50 - 1,51 gam, tỷ lệ vỏ kén đạt từ 20 - 21%.

Còn vụ hè nuôi 2 giống tằm đa hệ lai kén vàng VNT1, ĐSK x 09; sức sống tằm đạt hơn 89%, năng suất kén đạt từ 12 - 14kg/vòng trứng, khối lượng toàn kén đạt từ 1,40 - 1,50 gam, tỷ lệ vỏ kén đạt từ 16 - 17%.

NHÃ PHƯƠNG