Chống hạn cho lúa hè thu
Đến thời điểm này, Núi Thành đã cơ bản sạ xong 3.400/3.400ha lúa Hè thu theo kế hoạch. Bà con nông dân đang tập trung chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và chống hạn cho lúa ngay từ đầu vụ.
Lúa Hè thu trà đầu sạ được hơn 15 ngày đang trong giai phát triển lá mạ. Bà con nông dân đang tập trung chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và đảm bảo nguồn nước cho lúa. Xã Tam Xuân 2 là vùng trọng điểm lúa của huyện Núi Thành.
Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, đến nay nông dân toàn xã đã sạ được 90% trong tổng số 680ha lúa Hè thu năm 2022 theo kế hoạch. UBND xã Tam Xuân 2 căn cứ vào quy luật phát sinh của các đối tượng dịch hại vụ Hè thu, tình hình sâu bệnh chuyển vụ và dự báo thời tiết trong vụ để chỉ đạo nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ lúa, đồng thời phân bổ, điều tiết nguồn nước hợp lý tưới cho cây lúa ngay từ đầu vụ.
Theo thông báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện đang là thời gian chuyển vụ gieo trồng, thức ăn của chuột ở ngoài đồng ít, chuột thường sống và gây hại tập trung trên một số khu vực nhất định như những vùng gò, đồi, bờ tre, bờ ruộng…
Do đó, các địa phương và bà con nông dân tổ chức diệt chuột ở các những nơi này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Ở các vùng nông thôn, cần phát động toàn dân ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng.
Trong đầu vụ Hè thu, một đối tượng nữa gây hại lúa là ốc bươu vàng. Các địa phương và bà con nông dân nên kết hợp việc tổ chức ra quân diệt chuột với việc thu gom ốc bươu vàng và ổ trứng ốc trên ruộng, ao, hồ, kênh mương, sông suối… để tiêu diệt. Khi mật độ ốc bươu vàng trong ruộng quá cao, bà con nông dân có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ.
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, theo dự báo thời tiết trong vụ Hè thu thì trên cây lúa có khả năng phát sinh bọ trĩ gây hại từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 dương lịch trên lúa giai đoạn mạ. Cục bộ trên chân ruộng khô hạn thiếu nước, gieo sạ muộn, bọ trĩ sẽ gây hại mạnh. Cạnh đó, sẽ có sâu non, cuốn lá nhỏ, sâu keo gây hại từ ngày 15.6 - 30.6 trên lúa đẻ nhánh.
Ngoài ra, trên lúa Hè thu đầu vụ thường xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại trong tháng 6, tháng 7 trên lúa đẻ nhánh; bọ xít đen có thể gây hại từ tháng 7 đến cuối vụ, tập trung gây hại mạnh vào giai đoạn lúa mút đòng, trổ - chín. Cũng theo dự báo, trên cây lúa vụ Hè thu cũng có nhiều khả năng xuất hiện bệnh đốm nâu, vàng sinh lý, bệnh lem lép thối hạt, bệnh thối thân, thối bẹ...
Theo ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, vụ hè thu có nhiều khả năng nắng nóng kéo dài, gây tình trạng khô hạn. Vì vậy, Phòng NN&PTNT huyện đề nghị các địa phương tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương thông thoáng để chuyển tải nước đến mặt ruộng nhanh nhất và hạn chế tổn thất nước ở vụ hè thu.
Chú trọng việc lắp đặt, hoạt động các trạm bơm, tận dụng khoan giếng ở các vùng có mạch nước ngầm để bổ sung lượng nước sản xuất. Tổ chức theo dõi thời tiết, nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi; triển khai phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn vụ hè thu năm 2022.
Quản lý tốt các cống ngăn mặn; đắp đập bổi chống hạn ở miền núi. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cây trồng đối với vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn như bắp, sắn, mè, đậu phụng...
Tổ chức thực hiện công tác vận hành, điều tiết, cấp nước một cách hợp lý, kịp thời, tiết kiệm và hiệu quả; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khu tưới đầu kênh nhận nước lãng phí, trong khi đó khu tưới cuối kênh lại thường xuyên thiếu nước dẫn đến khô hạn cục bộ trong vụ Hè thu.