Góp ý xây dựng hoàn chỉnh 2 đề án liên quan đến nông nghiệp – nông thôn

MAI NHI 31/05/2022 16:04

(QNO) – Hôm nay 31.5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp với Sở NN&PTNT cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành để góp ý xây dựng hoàn chỉnh dự thảo 2 đề án liên quan đến nông nghiệp – nông thôn, gồm: “Quy định về bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” và “Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025”.

Đại biểu tham gia ý kiến tại cuộc họp.   Ảnh: M.N
Đại biểu tham gia ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: M.N

Theo dự thảo đề án “Quy định về bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” do Chi cục Chăn nuôi & thú y tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng, tổng số nhân viên thú y dự kiến sẽ bố trí trong thời gian tới là 241 người tại 241 xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh.

Nhân viên thú y cấp xã được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,85 mức lương cơ sở/người/tháng (bao gồm kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) đối với các xã, phường, thị trấn có chăn nuôi (dự kiến 226 đơn vị) và bằng 1,15 mức lương cơ sở đối với các xã, phường, thị trấn không được phép chăn nuôi (dự kiến 15 đơn vị). Theo ước tính, hằng năm ngân sách nhà nước sẽ chi gần 7,8 tỷ đồng thực hiện cơ chế này.

Nhân viên thú y xã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.     Ảnh: M.N
Nhân viên thú y xã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Ảnh: M.N

Còn theo dự thảo cơ chế “Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025” do Chi cục Phát triển nông thôn tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng, giai đoạn 2022 – 2025 tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án là hơn 97,5 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách tỉnh khoảng 36 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp huyện gần 9,2 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và các cơ chế có liên quan hơn 9,3 tỷ đồng; vốn huy động từ các cơ sở ngành nghề nông thôn (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể) xấp xỉ 43 tỷ đồng.

Cơ chế trên có nhiều nội dung hỗ trợ như hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đến các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, cụm làng nghề hoặc đến địa điểm quy hoạch; hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường; hỗ trợ mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất – kinh doanh và xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hỗ trợ thiết kế, in ấn mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc...  

Cơ chế hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.      Ảnh: M.N
Cơ chế hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Ảnh: M.N

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, cả 2 đề án nêu trên đều có tác động rất lớn đến sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Do vậy, đề nghị Sở NN&PTNT tiếp thu những ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và chỉnh sửa, bổ sung kịp thời. Trước mắt, khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án “Quy định về bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Còn đối với đề án “Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025”, Sở NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa kỹ càng, cơ chế hỗ trợ phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển... tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét trong các kỳ họp kế tiếp.       

MAI NHI