Thủ tướng đối thoại với nông dân

NGUYỄN SỰ 29/05/2022 17:07

(QNO) – Sáng nay 29.5, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; phục hồi, phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững”. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố của cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Tại điểm cầu trung tâm tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan ở Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện các sở, ban ngành và nhiều cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. 

Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện các sở, ban ngành. Ảnh: N.S
Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì. Ảnh: N.S

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 4 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. Trong 3 lần đối thoại trước, chỉ có nông dân đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, còn lần thứ 4 này là đối thoại đa chiều.

Theo ông Đoàn, cùng với nông dân tiêu biểu, hội nghị còn có các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về tam nông và các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham gia đối thoại với người đứng đầu Chính phủ.

Xuất khẩu nông sản gặp khó

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân và một số chuyên gia nông nghiệp trên toàn quốc nêu rất nhiều kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương. Các ý kiến cho rằng, 3 năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất – kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và đặc biệt là nông dân. Thời gian qua giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi,... tăng mạnh, trong khi đó đầu ra của các loại nông sản gặp nhiều khó khăn do tác động xấu của dịch Covid-19.

Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh khiến việc sản xuất của nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: N.S
Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh khiến việc sản xuất của nông dân gặp khó khăn. Ảnh: N.S

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế. Việc xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc gặp không ít trở ngại, thậm chí có một số thời điểm bế tắt hoàn toàn.

Theo nhiều ý kiến, mặc dù thời gian qua Chính phủ có hàng loạt cơ chế, chính sách về khoanh nợ, giãn nợ và hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân để có điều kiện khôi phục, phát triển sản xuất – kinh doanh sau đại dịch Covid-19 nhưng việc tiếp cận những kênh vốn ưu đãi còn nhiều hạn chế. Từ đó, xuất hiện các đường dây, ổ nhóm tín dụng đen, cho vay với lãi suất rất cao.

Người dân khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để khôi phục và phát triển sản xuất sau dịch bệnh. Ảnh: N.S
Người dân khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để khôi phục và phát triển sản xuất sau dịch bệnh. Ảnh: N.S

Một số đại biểu cho rằng, muốn phát triển ngành nông nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế thì cần phải chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nông dân là đối tượng chính. Tuy nhiên, những năm qua công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn bất cập nên dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao...

Phát triển theo hướng "tri thức hóa nông dân"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân về những khó khăn phải đối mặt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong 3 năm qua. Đồng thời cho rằng, muốn tạo bước đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn thì thời gian tới các ngành, các cấp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. 

Theo đó, các bộ ngành ở Trung ương cùng các cấp chính quyền cần quan tâm hỗ trợ nhân rộng và phát triển mạnh những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Mô hình này là sự gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (gồm nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học). Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đó sẽ tạo ra sản lượng hàng hóa nông sản lớn, có chất lượng tốt và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nhà nông hạn chế tình trạng được mùa mất giá - được giá mất mùa.

Cần quan tâm hỗ trợ phát triển mạnh những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Ảnh: N.S
Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ phát triển mạnh những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Ảnh: N.S

“Tuy nhiên, để việc sản xuất mang lại hiệu quả cao, phải đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản và sản xuất phải theo tín hiệu thị trường” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và an toàn dịch bệnh sẽ hạn chế được thiệt hại. Ảnh: N.S
Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và an toàn dịch bệnh sẽ hạn chế được thiệt hại. Ảnh: N.S

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành ở Trung ương và chính quyền các địa phương cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân tiếp cận dễ dàng với những kênh vốn ưu đãi để có điều kiện khôi phục, phát triển sản xuất – kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp theo dõi, kịp thời triệt xóa những đường dây, ổ nhóm tín dụng đen cho vay nặng lãi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành liên quan ở Trung ương và các cấp chính quyền tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước tình trạng giá các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp và giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Phối hợp tính toán các phương án về xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ để phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá nguyên liệu đầu vào, hạ giá thành sản phẩm...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất - kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Cùng với đó, phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp - nông thôn.

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Ảnh: N.S
Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Ảnh: N.S

“Đặc biệt, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử...” – Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý. 

Những năm gần đây, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: N.S
Những năm gần đây, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Ảnh: N.S

Về những khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, hiện nay Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây, họ tăng cường kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn; quy định của họ cũng ngày càng khắt khe hơn, nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc muốn tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch.

Theo ông Diên, muốn xuất khẩu hàng hóa nông sản sang thị trường Trung Quốc thuận lợi, chúng ta buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên còn ách tắt. 

“Thời gian tới, để giải quyết việc xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, trước hết cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Vấn đề này, các địa phương cần có chiến lược quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn cụ thể về quy trình canh tác, quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn” – ông Diên nói.

NGUYỄN SỰ