Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

NGUYỄN SỰ 19/05/2022 06:01

Ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các cấp vận động, hướng dẫn nông dân chuyển những chân đất lúa khó khăn nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực có khả năng chịu hạn tốt, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Nhiều mô hình trồng bắp lai trên đất lúa ở Duy Xuyên mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: N.S
Nhiều mô hình trồng bắp lai trên đất lúa ở Duy Xuyên mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: N.S

Nâng cao giá trị kinh tế

Ông Lê Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Quế Lộc (Nông Sơn) cho biết, do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên lâu nay việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương gặp không ít khó khăn, nhất là trong vụ hè thu nhiều diện tích đất lúa phải bỏ hoang hoặc canh tác không hiệu quả vì bức bí nguồn nước tưới.

Mấy năm gần đây, chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ người dân chuyển những ruộng lúa ở các khu vực cuối kênh thường bấp bênh nước tưới sang canh tác các loại cây trồng cạn.

Chuyển khoảng 580ha lúa hè thu sang sản xuất cây trồng cạn

Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương đã duy trì diện tích chuyển đổi các năm trước và tiếp tục chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn ngắn ngày, cây dược liệu, cây ăn quả có hiệu quả cao hơn. Tổng diện tích đất lúa chuyển đổi trên toàn tỉnh trong vụ đông xuân năm nay khoảng 520ha. Các địa phương có diện tích chuyển đổi lớn là Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn. Nhìn chung, hầu hết cây trồng của các mô hình chuyển đổi đều cho lợi nhuận tăng bình quân từ 20 - 30% so với sản xuất lúa trong cùng thời vụ, trên cùng chân đất.

Dự kiến trong vụ hè thu này toàn tỉnh sẽ chuyển khoảng 580ha đất lúa bấp bênh nước tưới hoặc chủ động tưới nhưng hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực...

Riêng vụ hè thu 2021, toàn xã Quế Lộc chuyển 60 sào đất lúa sang trồng bắp, đậu phụng, mè, đậu xanh..., bình quân 1 sào mang lại cho nhà nông mức thu nhập khoảng 2,1 triệu đồng, tăng 400 – 600 nghìn đồng so với gieo sạ lúa.

Hè thu 2022 này, chính quyền dự kiến hướng dẫn nông dân chuyển khoảng 70 sào đất lúa sang sản xuất những loại cây trồng cạn chủ lực. UBND xã sử dụng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đầu tư cải tạo 50 sào đất lúa bỏ hoang lâu năm do xã quản lý thành các ao để giao cho dân trồng sen chuyên canh.

Ông Trần Văn Lưu – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho hay, những năm qua bình quân hằng vụ ngành nông nghiệp và các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển khoảng 13 – 20ha đất lúa phụ thuộc nước trời hoặc chủ động tưới nhưng canh tác kém hiệu quả sang gieo trồng các loại hoa màu, đào ao trồng sen chuyên canh. Số diện tích chuyển đổi tập trung chủ yếu ở 3 xã Quế Lộc, Sơn Viên, Quế Trung.

“Trung bình 1ha đất lúa chuyển sang sản xuất đậu phụng, mè, bắp, đậu xanh... cho giá trị khoảng 42 – 46 triệu đồng/vụ, tăng 8 – 10 triệu đồng/ha/vụ so với gieo sạ lúa. Riêng đối với mô hình trồng sen chuyên canh, 1ha đạt giá trị khoảng 96 triệu đồng, tăng gấp 2 – 3 lần so với làm lúa” – ông Lưu nói.

Tập trung chuyển đổi

Ông Nguyễn Văn Lanh – Chủ tịch UBND xã Quế Trung (Nông Sơn) cho hay, toàn xã có tổng cộng 238ha đất lúa. Mặc dù hiện nay tại Quế Trung có 4 hồ chứa nước (gồm Trung Lộc, Hố Cái, Hóc Thầy, Hóc Hương) và 1 đập dâng, 1 trạm bơm điện nhưng dự báo vụ hè thu 2022 này sẽ không đảm bảo nguồn nước tưới cho số diện tích đất lúa. Trong 238ha đất lúa, hè thu năm nay chính quyền địa phương dự kiến gieo sạ 184ha, còn lại 54ha không đưa vào kế hoạch sản xuất vì không chủ động nguồn nước đổ ải, gieo sạ.

Những năm gần đây, chuyển đất lúa sang gieo trồng mè trong vụ hè thu, nông dân xã Quế Lộc của huyện Nông Sơn thu về khoảng 2 triệu đồng/sào (tăng 400 - 600 nghìn đồng so với sản xuất lúa). Ảnh: N.S
Những năm gần đây, chuyển đất lúa sang gieo trồng mè trong vụ hè thu, nông dân xã Quế Lộc của huyện Nông Sơn thu về khoảng 2 triệu đồng/sào (tăng 400 - 600 nghìn đồng so với sản xuất lúa). Ảnh: N.S

Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết, trong 184ha đất lúa dự tính canh tác vụ hè thu này, nếu thời gian tới không có mưa bổ sung và nắng nóng kéo dài trên diện rộng thì từ tháng 5 – 8.2022 nguy cơ sẽ có ít nhất 20ha lúa ở những vùng cuối kênh bị khô hạn nặng. Nếu tình huống xấu xảy ra, xã sẽ chi 40 triệu đồng lắp đặt 3 trạm bơm dã chiến để hút nước từ các con sông và hồ chứa chống hạn cho cây lúa.

Còn đối với 54ha đất lúa không chủ động nước tưới nằm ngoài kế hoạch sản xuất, các đơn vị của xã đang gấp rút khảo sát tình hình thực tế ở từng khu vực và những ngày tới sẽ vận động nông dân chuyển khoảng 10ha sang gieo trồng các loại hoa màu chủ lực có khả năng chịu hạn tốt. UBND xã Quế Trung sẽ chi 50 triệu đồng mua hạt giống đậu xanh, bắp, đậu đen, đậu phụng... hỗ trợ nhà nông sản xuất.

Được biết, hiện nay trên địa bàn 6 xã của Nông Sơn có khoảng 1.025ha đất lúa. Do khó khăn nước tưới, hè thu 2022 này địa phương chỉ đưa vào kế hoạch sản xuất 830ha lúa, còn lại 195ha đất lúa nhiều khả năng sẽ phải bỏ hoang.

Ngành nông nghiệp huyện dự tính, trong tổng số 830ha lúa nằm trong kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm nay, nếu thời gian tới nắng nóng khốc liệt thì nguy cơ sẽ có 200 – 300ha lúa bị khô hạn. Theo ông Trần Văn Lưu, ngành chuyên môn của huyện cùng chính quyền các địa phương tập trung vận động nông dân chuyển khoảng 20 – 25ha đất lúa ở những khu vực cuối kênh sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực trong vụ hè thu 2022.

NGUYỄN SỰ