Đồng bộ giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa hè thu

NHÃ PHƯƠNG 19/05/2022 05:52

Theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, bắt đầu từ ngày 20.5, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai gieo sạ lúa hè thu 2022. Trước những diễn biến ngày càng bất lợi của thời tiết và nguy cơ nhiều loại dịch hại nguy hiểm bùng phát trên đồng ruộng, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhà nông áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật để vụ mùa mang lại thắng lợi.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, vụ hè thu 2022 này chủ yếu cơ cấu những loại giống lúa trung và ngắn ngày có chất lượng tốt. Ảnh: N.P
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, vụ hè thu 2022 này chủ yếu cơ cấu những loại giống lúa trung và ngắn ngày có chất lượng tốt. Ảnh: N.P

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh sẽ tổ chức canh tác 41.500ha lúa, chủ yếu cơ cấu những loại giống trung và ngắn ngày có chất lượng tốt như HT1, PC6, HN6, BC15, TBR225, ĐT100, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, ĐV108, KD18, Khang dân đột biến, Hương Châu 6, VNR10, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, VNR20... Thời gian gieo sạ bắt đầu từ ngày 20.5 và kết thúc vào 5.6.2022.

Giảm lượng giống và phân hóa học

Bà Nguyễn Thị Sương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam khuyến cáo nông dân áp dụng gói kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” để tăng hiệu quả sản xuất lúa và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong vụ hè thu 2022 này.

Trong đó, đáng chú ý là cần sử dụng những giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng. Về lượng giống gieo sạ cho 1 sào (500m2), nếu dùng công cụ sạ hàng thì khoảng 1 - 1,2kg đối với lúa lai và 2 - 2,5kg đối với lúa thuần. Còn nếu sạ vãi bằng tay thì khoảng 2 - 2,5kg đối với lúa lai và 3 - 3,5kg đối với lúa thuần.

Để giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí đầu tư phân bón hóa học, nông dân cần tăng cường bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Tiến hành thu gom rơm rạ, cây đậu, thân lá các loại rau màu sau thu hoạch để ủ với chế phẩm sinh học (phân giải chất hữu cơ) thành phân hữu cơ bón lại cho đất.

Trong quá trình sản xuất, cơ quan chuyên môn đề nghị nông dân tăng lượng phân chuồng, phân hữu cơ và giảm phân đạm. Theo đó, bón 8 - 10kg phân urê/sào đối với giống lúa thuần ngắn ngày, 10 - 12kg phân urê/sào đối với giống lúa thuần dài ngày và lúa lai (đã tính quy đổi lượng đạm của phân khác thay urê); tập trung bón ở lần thúc 1 và 2, bón đòng không vượt quá 2kg phân urê/sào.

Tưới nước tiết kiệm

Vụ hè thu 2022, nguy cơ nắng hạn và xâm nhập mặn sẽ xảy ra gay gắt trên diện rộng. Do vậy, các cấp, các ngành cần tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ và hiệu quả những phương pháp tưới nước tiết kiệm, tưới nước tiên tiến.

Theo bà Nguyễn Thị Sương, trong giai đoạn làm đất, cho nước vào ruộng vừa đủ để cày bừa, làm phẳng mặt ruộng và gieo sạ, đảm bảo cho hạt giống mọc mầm và sử dụng thuốc trừ cỏ thuận lợi. Sau khi lúa mọc mầm ổn định hoặc sau khi phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm từ 2 - 3 ngày thì cho nước vào ruộng, giữ mực nước khoảng 1 - 3cm theo sự phát triển chiều cao của cây lúa cho đến lúc bón phân thúc lần 1 (khoảng 10 ngày sau sạ).

Trong giai đoạn làm đất, cho nước vào ruộng vừa đủ để cày bừa, san phẳng mặt ruộng. Ảnh: N.P
Trong giai đoạn làm đất, cho nước vào ruộng vừa đủ để cày bừa, san phẳng mặt ruộng. Ảnh: N.P

Sau khi bón phân thúc lần 1, để nước tự rút, khi cạn thì tưới lại 2 - 3cm cho đến khi bón thúc lần 2 (khoảng 20 ngày sau sạ). Giai đoạn này cần giữ mực nước hợp lý trong ruộng để hạn chế cỏ dại mọc mầm. Sau khi bón phân thúc lần 2, để ruộng tự khô đến khi thấy nứt nhẹ (nứt chân chim) thì cho nước vào ruộng từ 3 - 5cm và tiếp tục để ruộng tự khô trở lại. Lặp lại quá trình “Ướt - khô xen kẽ” này cho đến khi lúa bắt đầu đứng cái - làm đòng. Nên kết hợp tốt giữa đợt tưới nước với các đợt bón phân thúc cho lúa.

Thông thường, lúa bắt đầu đứng cái - làm đòng ở giai đoạn sau sạ khoảng 40 - 45 ngày đối với giống ngắn ngày và 45 - 50 ngày đối với giống trung ngày. Thời điểm này, cho nước vào ruộng 5 - 7cm và tiến hành bón phân lần 3 (bón thúc đòng).

Giai đoạn này, cây lúa rất cần nước, không được để ruộng khô. Tưới theo đợt, khi ruộng vừa cạn thì phải tưới lại để duy trì mực nước trên ruộng từ 5 - 7cm nhằm giúp cây lúa hình thành đòng, trổ và thụ phấn, thụ tinh được thuận lợi, hạt lúa không bị lép lửng.

Khi lúa vào chắc xanh (10 ngày trước khi gặt), nông dân cần tháo cạn nước để mặt ruộng được khô ráo, vừa nâng cao phẩm chất gạo, vừa thuận lợi cho việc thu hoạch. Để đảm bảo chất lượng lúa, phẩm chất gạo và tránh thất thoát do ảnh hưởng của mưa lụt thường xảy ra vào thời điểm cuối vụ, khi bông lúa chín khoảng 85 - 90% thì nhà nông cần tranh thủ thu hoạch nhanh, gọn trong những ngày trời nắng ráo.

Chủ động phòng trừ dịch hại

Theo ngành chuyên môn, các giống lúa Thiên ưu 8, VNR20, Đài thơm 8, HN6, BC15 thường mẫn cảm với thời tiết, nhất là khi trổ gặp mưa nên nông dân cần tăng cường bón phân chuồng, phân kali để giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu.

Trong khi đó, 2 giống lúa HT1 và Bắc Thịnh dễ bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng nên cần thường xuyên theo dõi. Khi phát hiện rầy có mật độ bình quân từ 2 - 3 con/dảnh, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Khoanh vùng và phun thật kỹ vào các “ổ rầy” để tránh lây lan. Không nên phun phòng hoặc phun khi mật độ rầy còn thấp để tránh rầy bộc phát ở giai đoạn cuối vụ.

Đáng chú ý, các giống lúa BC15, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, TBR225 dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn nên cần bón phân cân đối, hạn chế bón phân urê trên những chân ruộng lúa quá xanh tốt.

Sở NN&PTNT lưu ý, nhà nông phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại trên ruộng lúa và có biện pháp xử lý thích hợp. Khi phun thuốc trừ cỏ cho lúa, cần thực hiện đúng kỹ thuật sử dụng cho từng loại thuốc, đặc biệt là phải đảm bảo phun đủ lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích.

NHÃ PHƯƠNG