Điện Bàn nỗ lực khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi

NHÃ PHƯƠNG 13/05/2022 15:48

(QNO) - Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành liên quan và chính quyền các địa phương của thị xã Điện Bàn tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nên hiện giờ những loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi đã cơ bản được khống chế, dập tắt.

Những năm gần đây, tại Điện Bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi bò ngoại 3B với số lượng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.      Ảnh: N.P
Những năm gần đây, tại Điện Bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi bò ngoại 3B với số lượng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.P

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam Online vào sáng nay 13.5, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn thông tin, tính đến gần giữa tháng 5.2022 tổng đàn gia súc của thị xã ước khoảng 78.168 con (trong đó có 518 con trâu, 24.352 con bò, 53.298 con heo) và đàn gia cầm là 1.310.000 con.

Theo ông Chơi, thời gian qua bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 26 hộ chăn nuôi trên địa bàn 15 thôn của 5 xã, phường gồm Điện Minh, Điện Phong, Điện Tiến, Điện Dương, Điện Ngọc. Tổng số heo mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc là 224 con (37 con heo nái, 187 con heo thịt và heo con) với tổng trọng lượng gần 15,2 tấn.

Cùng với đó, bệnh viêm da nổi cục xảy ra từ ngày 28.2.2022 tại 20 hộ chăn nuôi ở 6 thôn của Điện Phong và Điện Thắng Trung khiến 24 con bò bị mắc bệnh, trong đó có 3 con chết phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng 440kg.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp thị xã và chính quyền các địa phương của Điện Bàn tập trung phối hợp thực hiện cấp bách nhiều biện pháp nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh.

Người dân thôn Phú Văn (xã Điện Quang, Điện Bàn) chủ động trồng cỏ voi nguyên liệu phục vụ mô hình chăn nuôi bò thâm canh, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.   Ảnh: N.P
Người dân thôn Phú Văn (xã Điện Quang, Điện Bàn) chủ động trồng cỏ voi nguyên liệu phục vụ mô hình chăn nuôi bò thâm canh, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Ảnh: N.P

Ông Nguyễn Đức Chơi cho biết, bên cạnh việc huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vắc xin... khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây, khống chế các ổ dịch thì cơ quan chuyên môn cùng UBND các xã, phường cũng quyết liệt triển khai đồng bộ công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để phòng, chống dịch bệnh động vật.

“Trong hơn 4 tháng đầu năm nay, tất cả 20 xã, phường của Điện Bàn đều thực hiện đợt cao điểm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Trong đó, tập trung vào việc phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại chăn nuôi; quét dọn và thu gom phân rác để đốt, chôn; khơi thông cống rãnh. Đặc biệt, UBND thị xã đã xuất cấp cho chính quyền các địa phương 1.020 lít hóa chất Benkocid để phun khử trùng tại những cơ sở giết mổ, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm và hỗ trợ người dân phun tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, vùng phụ cận...” – ông Chơi nói.

Nhờ các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều khâu nên đến nay Điện Bàn đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Điện Minh, Điện Phong, Điện Tiến, Điện Dương, Điện Ngọc. Trong khi đó, qua quá trình chăm sóc, đến nay số bò mắc bệnh viêm da nổi cục ở Điện Thắng Trung và Điện Phong cũng đã khỏi triệu chứng lâm sàng.

Muốn hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nhất thiết người chăn nuôi phải đặc biệt quan tâm công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.  (Ảnh minh họa).  Ảnh: N.P
Muốn hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nhất thiết người chăn nuôi phải đặc biệt quan tâm công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. (Ảnh minh họa). Ảnh: N.P

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Điện Bàn, dù hiện nay dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã cơ bản được khống chế, dập tắt nhưng người chăn nuôi và chính quyền các địa phương không được chủ quan, lơ là trong khâu phòng dịch. Vấn đề đáng quan tâm nhất là thời gian tới phải tập trung nhân lực, phương tiện đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

“Tính đến thời điểm này, Điện Bàn đã tiêm được 19.507 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu bò, đạt tỷ lệ 86,6%. Trong khi đó, thời gian qua chỉ có 1.619 con trâu bò được chích ngừa vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, đạt tỷ lệ 7,2%. Trước tình trạng trên, UBND thị xã dự kiến sắp tới sẽ chi khoảng 800 triệu đồng hỗ trợ người dân tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho ít nhất 20.000 con trâu bò. Hiện nay, giá 1 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên thị trường là 40.000 đồng” – ông Nguyễn Đức Chơi nói.  

NHÃ PHƯƠNG