Hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

MAI NHI 10/05/2022 06:39

Thực hiện Nghị quyết số 17/2019 của HĐND tỉnh, hơn 2 năm qua, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đem lại nhiều kết quả.

Việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác và ổn định đầu ra sản phẩm. Ảnh: MAI NHI
Việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác và ổn định đầu ra sản phẩm. Ảnh: MAI NHI

Liên kết hiệu quả

Những ngày qua, khảo sát các xứ đồng của xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn), rất nhiều nông dân địa phương phấn khởi trước hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Theo Sở NN&PTNT, đông xuân năm nay có 34 doanh nghiệp liên kết với các HTX trên địa bàn tỉnh sản xuất các loại giống cây trồng. Cụ thể, có 31 công ty sản xuất giống lúa, 1 công ty sản xuất giống bắp, 1 công ty sản xuất giống ớt, 1 công ty sản xuất giống hành tím. Riêng với giống lúa, vụ này tổng diện tích canh tác khoảng 4.088,5ha, trong đó giống lúa lai F1 là 292ha và giống lúa thuần là 3.796,5ha (gồm giống siêu nguyên chủng 44,5ha, giống nguyên chủng 1.611,3ha, giống xác nhận 2.140,7ha). Mặc dù ảnh hưởng thời tiết bất lợi nhưng nhìn chung phần lớn mô hình liên kết sản xuất đều giúp nông dân tăng thêm 20 - 35% giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Phan Dũng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quế Xuân 2 cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17/2019 của HĐND tỉnh, vụ đông xuân 2021 - 2022 đơn vị được UBND huyện Quế Sơn hỗ trợ 450 triệu đồng để triển khai dự án liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100 với Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi Thừa Thiên Huế trên diện tích 75ha đất. Có 450 hộ dân trên địa bàn xã Quế Xuân 2 tham gia dự án.

Để mô hình mang lại thành công, trước khi vào vụ sản xuất HTX Nông nghiệp Quế Xuân 2 và Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyển giao những gói kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân. Đặc biệt, từ nguồn kinh phí do cấp trên phân bổ, đơn vị hỗ trợ bình quân mỗi sào 260.000 đồng để nông dân có thêm điều kiện phục vụ sản xuất.

“Mặc dù trong vụ thời tiết diễn biến rất bất lợi, nhất là chịu ảnh hưởng lớn bởi đợt mưa to hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4.2022 nhưng hầu hết diện tích sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100 của dự án đều mang lại kết quả khả quan. Đông xuân năm nay, bình quân 1 sào đạt năng suất khoảng 480kg lúa tươi.

Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi Thừa Thiên Huế thu mua lúa tươi của nông dân với mức giá sàn 5.300 đồng/kg. Vụ này trung bình 1 sào lúa thương phẩm ĐT100 cho giá trị hơn 2,5 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, nông dân còn lại lãi ròng 1,2 triệu đồng/sào” - ông Phan Dũng nói.

Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, thông qua các HTX nông nghiệp, vụ đông xuân 2021 - 2022 nông dân trên địa bàn huyện liên kết với các doanh nghiệp sản xuất tổng cộng 423ha lúa giống hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao.

Ngoài mô hình ở xã Quế Xuân 2, vụ này UBND huyện Quế Sơn cũng chi khoảng 450 triệu đồng hỗ trợ cho các đơn vị liên quan của xã Quế Xuân 1 hợp tác với Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức cho hàng trăm hộ nông dân sản xuất 75ha lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100 theo liên kết chuỗi giá trị. Được biết, dự án liên kết sản xuất lúa ĐT100 tại xã Quế Xuân 1 cũng giúp thu nhập của nhà nông tăng thêm khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha/vụ.

Nhà nước tiếp sức

Thực hiện Nghị quyết số 17/2019 của HĐND tỉnh về hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đến nay UBND tỉnh đã phân bổ cho các địa phương 49 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để triển khai cơ chế này (trong đó năm 2021 là 31 tỷ đồng và năm 2022 là 18 tỷ đồng).

Mô hình liên kết sản xuất hạt giống bắp nếp thế hệ F1 ở xã Đại Thắng (Đại Lộc) giúp thu nhập của nông dân tăng thêm 3 - 5 lần so với các loại hoa màu khác. Ảnh: MAI NHI
Mô hình liên kết sản xuất hạt giống bắp nếp thế hệ F1 ở xã Đại Thắng (Đại Lộc) giúp thu nhập của nông dân tăng thêm 3 - 5 lần so với các loại hoa màu khác. Ảnh: MAI NHI

Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất. Năm 2021, chính quyền cấp xã, các doanh nghiệp, HTX... đã triển khai thực hiện 42 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất được UBND cấp huyện phê duyệt.

Trong đó có 38 dự án, kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết do các HTX chủ trì và 4 dự án do các doanh nghiệp chủ trì với tổng số 9.467 hộ nông dân tham gia. Tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án, kế hoạch nêu trên gần 130,3 tỷ đồng (nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh hơn 27 tỷ đồng).

Còn đối với dự án liên kết cấp tỉnh, có 1 dự án được UBND tỉnh ủy quyền Sở NN&PTNT phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện là hơn 13 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết số 17 hơn 3,3 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhìn nhận, mặc dù tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ nhưng thực tế những năm qua cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn.

Thời gian tới, các sở, ban ngành liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương cần phối hợp rà soát, tìm ra những vướng mắc phát sinh để tham mưu UBND tỉnh sớm tháo gỡ nhằm tạo bước đột phá trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn.

“Tôi đề nghị chính quyền các cấp tích cực xây dựng và triển khai phương án tích tụ ruộng đất, ưu tiên nguồn lực tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu để hình thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Đặc biệt, tập trung hỗ trợ phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp nhà nông nâng cao nguồn thu nhập và ổn định đầu ra các mặt hàng nông sản chủ lực...” - ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

MAI NHI