Tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch trên đàn vật nuôi

MAI NHI 30/04/2022 14:44

(QNO) - Từ đầu năm 2022 đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục gây hại đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Hiện trên địa bàn Quảng Nam vẫn còn nhiều ổ dịch chưa qua 21 ngày. Trước tình hình đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương tập trung xử lý dứt điểm những ổ dịch. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh.

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi gây hại dai dẳng tại nhiều địa phương.  Ảnh: MAI NHI
Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi gây hại dai dẳng tại nhiều địa phương. Ảnh: MAI NHI

Dịch bệnh dây dưa

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam Online vào sáng nay 30.4, ông Trần Văn Lưu – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, bệnh viêm da nổi cục tiếp tục gây hại rải rác trên đàn trâu, bò ở tất cả 6 xã của huyện.

“Theo số liệu thống kê mới nhất, loại bệnh này đã khiến 67 con bò của 61 hộ dân trên địa bàn 20 thôn của Nông Sơn bị nhiễm dịch, trong đó có 14 con chết (chủ yếu bò con) phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng gần 650kg. Tính đến thời điểm này, toàn huyện còn 2 con bò mắc bệnh đang theo dõi” – ông Lưu nói.

Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 487 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó có 63 con chết phải tiêu hủy bắt buộc với trọng lượng xấp xỉ 6 tấn.  Ảnh: MAI NHI
Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 487 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó có 63 con chết phải tiêu hủy bắt buộc với trọng lượng xấp xỉ 6 tấn. Ảnh: MAI NHI

Không riêng Nông Sơn, thời gian qua bệnh viêm da nổi cục cũng gây hại tại nhiều địa phương khác của Quảng Nam. Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay toàn tỉnh có 57 ổ dịch ở 57 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố gồm Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Nông Sơn, Núi Thành, Hiệp Đức, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Bắc Trà My, Tiên Phước. Tổng số bò bị mắc bệnh là 487 con, trong đó có 63 con chết phải tiêu hủy bắt buộc với trọng lượng xấp xỉ 6 tấn.

Hiện nay, Quảng Nam còn 48 xã, phường, thị trấn thuộc 10 địa phương là Tam Kỳ, Phú Ninh, Nông Sơn, Núi Thành, Hiệp Đức, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Bắc Trà My, Tiên Phước có dịch bệnh viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày.

Trong 4 tháng qua, dịch cúm gia cầm khiến 8.488 con gà và vịt trên địa bàn tỉnh bị mắc bệnh và tiêu hủy bắt buộc .   Ảnh: MAI NHI
Trong 4 tháng qua, dịch cúm gia cầm khiến 8.488 con gà và vịt trên địa bàn tỉnh bị mắc bệnh và tiêu hủy bắt buộc . Ảnh: MAI NHI

Trong khi đó, 4 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 56 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 53 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thị xã, thành phố gồm Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình, Điện Bàn, Bắc Trà My, Hội An, Núi Thành, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Tam Kỳ. Tổng số heo bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc là 1.468 con (trong đó có 739 con heo nái, heo đực giống đang khai thác và 729 con heo thịt, heo con) với trọng lượng hơn 110 tấn. Hiện giờ, toàn tỉnh còn 9 ổ dịch ở 9 xã, phường, thị trấn của 3 huyện, thành phố là Thăng Bình, Hiệp Đức, Tam Kỳ chưa qua 21 ngày.

Ngoài ra, thời gian qua bệnh cúm gia cầm cũng xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi ở 5 thôn của 5 xã thuộc 4 huyện gồm Quế Sơn, Núi Thành, Đại Lộc, Hiệp Đức. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy bắt buộc là 8.488 con, trong đó có 2.150 con gà và 6.338 con vịt. Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, ngành nông nghiệp tỉnh khẩn trương hỗ trợ vắc xin cho các địa phương để triển khai thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch. Đến nay, còn xã Quế Thọ của huyện Hiệp Đức có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Nguy cơ mầm bệnh tiếp tục lây lan

Tính đến cuối tháng 4.2022, tổng đàn heo của Quảng Nam là 303.200 con, đàn bò 173.800 con, đàn trâu 59.850 con và đàn gia cầm hơn 8,5 triệu con.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn chiếm đa số. Hầu hết người dân chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức an toàn sinh học và việc đầu tư tái đàn không đảm bảo theo đúng quy định.

Trong khi đó, thời gian qua công tác quản lý giết mổ chưa được thực hiện đồng bộ tại nhiều nơi. Việc quản lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh giống vật nuôi chưa được các địa phương thực hiện chặt chẽ. Công tác kiểm dịch động vật ở Quảng Nam nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung còn nhiều bất cập.

Thời gian qua, tỷ lệ đàn trâu, bò được tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục đạt khá thấp.  Ảnh: MAI NHI
Thời gian qua, tỷ lệ đàn trâu, bò được tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục đạt khá thấp. Ảnh: MAI NHI

Đặc biệt, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh lớn nhưng việc tổ chức tiêm vắc xin phòng các loại bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi ở nhiều địa phương đạt tỷ lệ khá thấp. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ đàn trâu, bò được tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng đạt khoảng 20,35% và bệnh viêm da nổi cục chỉ đạt 7,07%, chưa đạt tỷ lệ bảo hộ phòng dịch theo quy định. Đáng nói hơn, đàn heo và đàn gia cầm hầu hết không được tiêm vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao.

Xử lý dứt điểm các ổ bệnh

Tại hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2021 – 2022 do Sở NN&PTNT tổ chức hôm 28.4, ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các đơn vị liên quan và chính quyền các cấp thời gian tới cần phối hợp kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời để hạn chế lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi trên đàn heo và bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Cần quan tâm hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh.      Ảnh: MAI NHI
Cần quan tâm hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh. Ảnh: MAI NHI

Theo ông Vũ, nhất thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo của các Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện. Các Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện cần phối hợp với UBND cấp xã, nhân viên thú y trong việc giám sát, phát hiện, báo cáo tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời.

Ngành chuyên môn cần tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch phát sinh. Ảnh: MAI NHI
Ngành chuyên môn cần tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch phát sinh. Ảnh: MAI NHI

Ông Nguyễn Xuân Vũ cho rằng, các cấp, các ngành cần chú trọng công tác quản lý nhà nước trong chăn nuôi. Theo đó, tích cực đôn đốc và hướng dẫn thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi; thực hiện chăn nuôi đảm bảo các yếu tố công nghệ sinh học, vệ sinh môi trường theo các quy định của Luật Chăn nuôi. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi xây dựng mô hình nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học, VietGAP; hướng dẫn thực hiện cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh; hướng dẫn cụ thể các biện pháp xử lý khi có dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra.

Thường xuyên phun tiêu độc môi trường, chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nguy cơ các loại dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi.   Ảnh: MAI NHI
Thường xuyên phun tiêu độc môi trường, chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nguy cơ các loại dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi. Ảnh: MAI NHI

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh rà soát, công bố hết dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục theo đúng quy định. Cạnh đó, quan tâm hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, ưu tiên chăn nuôi theo hình thức tập trung...

MAI NHI