Đề phòng dịch tả lợn châu Phi từ mô hình chuồng trại khép kín

BÙI HUÂN - THANH VIỆT 16/04/2022 16:24

(QNO) - Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thăng Bình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, bài bản đảm bảo môi trường sạch sẽ, thoáng mát không để dịch bệnh tấn công.

Mô hình chuồng trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của ông Huỳnh Thanh (thôn Bầu Bính, xã Bình Dương, Thăng Bình). Ảnh: H.V
Mô hình chuồng trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của ông Huỳnh Thanh (thôn Bầu Bính, xã Bình Dương, Thăng Bình). Ảnh: H.V

Theo UBND huyện Thăng Bình, trong quý I.2022, địa phương có 718 con heo mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy và đến nay 5 xã gồm: Bình Phục, Bình Dương, Bình Sa, Bình Minh, Bình Giang đã công bố hết dịch.

Điều đáng nói, cũng trong thời điểm này nhiều nông hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín để tái đàn không xảy ra dịch bệnh. Điển hình, hộ ông Huỳnh Thanh ở thôn Bầu Bính (xã Bình Dương, Thăng Bình), năm 2019, gia đình ông có nuôi 100 con heo hơi và 20 con heo nái, khi chuẩn bị xuất bán thu lời thì cuối năm đàn heo của ông bị mắc tả lợn châu Phi.

“Dù cố gắng bán tháo nhưng chỉ gỡ lại khoảng 20% số vốn bỏ ra ban đầu. Mất trắng hơn 300 triệu đồng là một cú sốc của cặp vợ chồng mới khởi nghiệp” – ông Huỳnh Thanh nói.

Với cách chăn nuôi của ông Huỳnh Thanh, heo được ở “nhà lầu” đúc bằng tấm đanh bê tông sạch sẽ, tiện nghi. Ảnh: H.V
Với cách chăn nuôi của ông Huỳnh Thanh, heo được ở “nhà lầu” đúc bằng tấm đanh bê tông sạch sẽ, tiện nghi. Ảnh: H.V

Theo ông Thanh, trong cái khó ló cái khôn, qua tìm hiểu rồi ông quyết định xây dựng mô hình chuồng chăn nuôi heo khép kín với hệ thống làm mát không khí, điều chỉnh nhiệt độ trong chuồng trại. Chính điều này quy trình xử lý vệ sinh chăn nuôi trở nên dễ dàng và có thể tránh được vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào.

Ông Thanh chia sẻ thêm: “Mô hình chuồng trại gồm hệ thống bơm nước, 3 quạt gió công suất lớn, tấm lưới chắn lọc luôn hoạt động thường xuyên với tần suất cao, dù mùa nóng hay lạnh thì nhiệt độ bên trong luôn mát mẻ và khó có thể xảy ra ô nhiễm dẫn đến đàn heo bị bệnh. Bên trong, heo được ở “nhà lầu” đúc bằng tấm đanh bê tông sạch sẽ, tiện nghi”.

Nhiều hộ dân sáng tạo ra máng ăn cho heo chỉ bằng việc đổ thức ăn từ bên ngoài, tạo cho chuồng trại sạch sẽ và không bị ô nhiễm. Ảnh: H.V
Nhiều hộ dân sáng tạo ra máng ăn cho heo chỉ bằng việc đổ thức ăn từ bên ngoài, tạo cho chuồng trại sạch sẽ và không bị ô nhiễm. Ảnh: H.V

Muốn vào cơ sở chăn nuôi của hộ Huỳnh Thanh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình. Đầu tiên phải thay bộ đồ bảo hộ và dùng nước sát khuẩn rửa chân, tay. Khâu chọn thức ăn cho heo được sát trùng và nấu chín qua nhiều công đoạn.Toàn bộ trang trại gần như đầu tư khép kín hoàn toàn, chỉ có vài chỗ thoát khí rất nhỏ.

Năm 2021, hộ ông Bùi Đăng Hường trú thôn Bình Trúc (xã Bình Sa, Thăng Bình) nuôi 3 con heo nái, 30 con heo thịt. Đúng thời điểm giá heo tăng trên thị trường thì đàn heo bị mắc dịch tả lợn châu Phi. Sau khi nghe địa phương khuyến cáo ông đã đem số heo đi tiêu hủy, thiệt hại năm đó hơn 30 triệu đồng.

Hệ thống hầm biogas xử lý phân và ống đúc bằng bê tông thải nước thải chăn nuôi heo của ông Bùi Đăng Hường (thôn Bình Trúc, xã Bình Sa, Thăng Bình). Ảnh: H.V
Hệ thống hầm biogas xử lý phân và ống đúc bằng bê tông thải nước thải chăn nuôi heo của ông Bùi Đăng Hường (thôn Bình Trúc, xã Bình Sa, Thăng Bình). Ảnh: H.V

Theo ông Hường, UBND xã Bình sa đã có chủ trương, hỗ trợ 17 triệu đồng để tái đàn, phục hồi kinh tế. Sau đó, ông Hường quyết định dời vị trí chuồng trại tới vị thế thoáng mát, ông chủ động xây hầm biogas xử lý phân, hệ thống ống đúc bằng bê tông để thải nước thải và thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

Ông Võ Văn Tư – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang (Thăng Bình) cho biết: “Hiện nay, xã đang duy trì dịch vụ thú ý trọn gói nhờ sự đồng lòng và ủng hộ của các hộ dân chăn nuôi gia súc. Vì vậy, cơ bản địa phương kiểm soát được dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Trong quý I.2022, Thăng Bình có 718 con heo mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy và đến nay 5 xã gồm: Bình Phục, Bình Dương, Bình Sa, Bình Minh, Bình Giang đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi.

BÙI HUÂN - THANH VIỆT