Hiệu quả từ mô hình trang trại nuôi cá lóc và nhông trên đất cát
(QNO) - Từ đôi bàn tay trắng, với mong muốn làm giàu trên quê hương, ông Nguyễn Kim (40 tuổi, thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, Thăng Bình) quyết tâm cải tạo hơn 1ha đất vườn để xây dựng mô hình trang trại nuôi cá lóc và kỳ nhông. Cần cù, chịu khó, bước đầu mô hình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định hằng năm.
Ông Kim kể, những năm 2017 trở về trước, công việc của ông khá bấp bênh, sau một thời gian ông quyết định cải tạo hơn 1ha đất cát bỏ hoang của gia đình để xây dựng mô hình trang trại nuôi gà, heo, cá lóc, kỳ nhông với quyết tâm lập nghiệp ở quê hương.
Tháng 12.2017, ông thả nuôi khoảng 2.000 – 3.000 con gà và gần chục con heo nái. Nhưng thu nhập từ 2 con vật nuôi này đem lại không cao, dễ dịch bệnh, hao hụt, đầu ra bấp bênh khiến ông thất bại hao hụt vốn.
Quyết tâm tâm chuyển đổi con vật nuôi mang lại hiệu quả cao hơn, năm 2018 ông đến xã Bình Phục (Thăng Bình) tham quan và học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lóc của các hộ dân và đọc thêm thông tin từ các trang mạng xã hội.
Với kiến thức tích lũy được, ông Kim mạnh dạn vay tiền ngân hàng cùng số vốn tích góp được khoảng 1 tỷ đồng, bắt tay vào khoan giếng, xây dựng khoảng 11 ao (diện tích từ 60 - 80m²/ao), đặt mua 40 – 50 nghìn con cá lóc giống ở các tỉnh miền Tâyđể thả nuôi.
"Do địa hình đồi cát khô hanh, để tiết kiệm nước, tất cả các ao cá, tôi đều tráng bằng xi măng, xung quanh lót bạt và thả nước mực nước từ 0,5 - 1m, có hệ thống xả ra, thay vào thường xuyên. Bên trên thì che lưới để tạo bóng mát. Thời gian đầu, cá lóc còn nhỏ, tôi mua cá tạp ở biển về xoay nhuyễn kết hợp với bột để làm thức ăn cho cá, khi nào biển động không có nguồn cá tạp thì cho cá ăn bột" - ông Kim chia sẻ bí quyết.
Sau gần 8 tháng thả nuôi, trọng lượng mỗi con cá lóc đạt khoảng 5 lạng. Mỗi ngày, ông Kim xuất bán khoảng 3 - 4 tấn cá lóc thịt với giá trên 50 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi năm thu được khoảng 200 triệu đồng từ bán cá lóc. Thị trường tiêu thụ cá lóc của ông chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị…
Ông Kim cho hay, những năm trước đây, người nuôi cá lóc còn ít, ông bán cá lóc thương phẩm ra thị trường rất thuận lợi, giá bán cao. Hiện nay, giá cá lóc giảm còn 46 nghìn đồng/kg, hộ nuôi tăng, giá thức ăn cũng tăng nên doanh thu có phần giảm đáng kể, nhưng thị trường tiêu thụ tương đối ổn định.
Thành công bước đầu với mô hình nuôi cá lóc, năm 2019, ông tiếp tục cải tạo khoảng 1.000m² đất cát gò đồi, rào tôn xi măng, lưới để thả nuôi kỳ nhông. Lúc đầu chưa có nguồn kỳ nhông giống, hằng ngày ông Kim tìm cách đặt bẫy và bắt được khoảng 500 con kỳ nhông tự nhiên về thả nuôi. Sau vòng một năm thả nuôi, đàn nhông thích nghi tốt, sinh trưởng nhanh, tăng lên trên 2.000 con.
Để chủ động nguồn thức ăn cho kỳ nhông, trong vườn ông Kim trồng cây ăn quả cùng nhiều loại rau xanh như bí, rau muống, đu đủ và cây điều để tạo bóng mát cho kỳ nhông trú ngụ vào mùa hè và đào hang ngủ, sinh sản vào mùa đông.
Theo ông Kim, kỳ nhông sinh sản từ tháng 4 đến tháng 6; thời gian còn lại thường chui vào hang ngủ đông. Nếu đàn kỳ nhông sinh trưởng tốt thì ông có thể thu được 70 - 80kg nhông thịt, bán ra với giá 450 nghìn đồng/kg, thu khoảng 30 - 40 triệu đồng/đợt.
Với nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trang trại, doanh thu khoảng trên 100 triệu đồng/năm, ông Kim còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương 250 nghìn đồng/ngày. Cạnh đó, ông còn hỗ trợ con giống, giúp các hộ dân khác có nhu cầu nuôi cá lóc ở địa phương.
Hiện ông Kim đang tiếp tục xây thêm nhiều bể trong vườn với diện tích 100m² để nhân rộng mô hình nuôi cá lóc. Ông còn tính tách đàn kỳ nhông để dễ chăm sóc và thu hoạch trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Vinh - Phó Chủ tịch xã Bình Dương cho biết ông Kim là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, mô hình kinh tế này hiện mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, ông Kim còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh vượt khó vươn lên làm giàu. Xã đã làm thủ tục để hỗ trợ trang trại của ông ngày càng mở rộng và phát triển.
[VIDEO] - Mô hình nuôi cá lóc của ông Kim: