Mưa gió "dị thường", nông nghiệp thiệt hại nặng

NGUYỄN SỰ 04/04/2022 06:46

Từ ngày 30.3 đến 1.4, trên địa bàn Quảng Nam bất ngờ xuất hiện những đợt mưa lớn kèm theo gió mạnh kéo dài khiến gần 20.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả và hàng loạt diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong 2 ngày qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện (Điện Bàn) bị vỡ vào đêm ngày 1.4, ước tính thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: P.V
Tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện (Điện Bàn) bị vỡ vào đêm ngày 1.4, ước tính thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: P.V

Thiệt hại nặng

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngoài thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua trên địa bàn Quảng Nam có 1 người chết do bị nước lũ cuốn trôi. Nạn nhân là ông Đoàn Viết Dương (SN 1986, quê ở Hải Phòng, trú tại Đà Nẵng) làm công nhân tại xã A Tiêng, huyện Tây Giang.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 160 ngôi nhà bị ngập nước dưới 1m (Thăng Bình 35 nhà, Điện Bàn 125 nhà). Cạnh đó, có 2 cống bị trôi, 1 cầu bị hư hỏng, sạt lở 50m bờ sông Vĩnh Điện thuộc thị xã Điện Bàn (đoạn nằm liền kề hạ lưu đập ngăn mặn bị vỡ) và sạt lở 120m đường giao thông nông thôn...

Sáng 3.4, nhìn những ruộng lúa còn ngập sâu trong nước, ông Ngô Quang Ngọc ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) nói: “Vụ đông xuân 2021 - 2022, gia đình tôi sản xuất 20 sào lúa. Đến cuối tháng 3, có 4 sào lúa trong giai đoạn ngậm sữa, còn 16 sào đang trổ bông rộ.

Mưa to và gió mạnh bất ngờ ập tới khiến toàn bộ diện tích lúa bị ngã đổ, ngập úng. Nhiều khả năng sản lượng lúa sẽ tụt giảm khoảng 70% so với mùa trước, thậm chí nhiều đám nguy cơ mất trắng hoàn toàn”.

Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, đông xuân năm nay nông dân 13 xã, thị trấn của huyện gieo sạ 3.062ha lúa chủ động nước tưới, hầu hết diện tích đang trong thời kỳ trổ đòng rộ và ngậm sữa. Đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng vừa qua, toàn huyện có đến 1.144ha lúa bị ngã đổ, ngập úng nặng.

“Mặc dù chưa thống kê hết mức độ thiệt hại ở từng địa phương nhưng rất nhiều khả năng số diện tích lúa bị ngã đổ, ngập úng đó sẽ mất 30 - 70% năng suất. Không chỉ vậy, tại nhiều nơi của huyện còn có 44ha bắp, 283ha đậu phụng, gần 58ha rau màu các loại bị ngập úng và hư hại nặng” - ông Thành nói.

Nông dân Duy Xuyên lội trên những đám ruộng ngập ngụa bùn nước thu hoạch đậu phụng để hạn chế thiệt hại. Ảnh: N.S
Nông dân Duy Xuyên lội trên những đám ruộng ngập ngụa bùn nước thu hoạch đậu phụng để hạn chế thiệt hại. Ảnh: N.S

Đối với Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế cho hay, vụ này toàn thị xã canh tác 5.450ha lúa. Mưa to, gió mạnh trong những ngày qua làm ngã đổ, ngập úng 2.749ha lúa đang trổ đòng - ngậm sữa và chắc chắn sẽ mất ít nhất 70% sản lượng.

“Ngoài diện tích lúa bị thiệt hại, đợt thiên tai bất thường này cũng làm ngã đổ, ngập úng, hư hại 270ha bắp mới vào sữa, 395ha đậu phụng, 105ha ớt, 44ha dưa hấu, 48ha hoa cúc, 205ha rau màu khác... Ước tính thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của Điện Bàn khoảng 202 tỷ đồng” - ông Chơi nói.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, theo số liệu thống kê và đánh giá sơ bộ, tính đến sáng qua 3.4 toàn tỉnh có 2.963ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 1.585ha lúa thiệt hại 50 - 70%, 174ha lúa thiệt hại 30 - 50% và hiện còn khoảng hơn 8.400ha lúa đang trổ bông bị ngập nước nên khả năng hư hại rất cao. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát.

Nông dân xã Đại Lãnh (Đại Lộc) dầm mình trong mưa lạnh thu hái những trái dưa hấu chín. Ảnh: N.S
Nông dân xã Đại Lãnh (Đại Lộc) dầm mình trong mưa lạnh thu hái những trái dưa hấu chín. Ảnh: N.S

Đối với hoa màu, trước mắt có 495ha bị thiệt hại hoàn toàn, 318ha thiệt hại 50 - 70%, 71ha thiệt hại 30 - 50% và hiện còn khoảng hơn 4.500ha bị ngã đổ, ngập nước nên các địa phương chưa thể đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại.

Về hoa và cây cảnh, có 40.000 cây bị thiệt hại hoàn toàn, 20.000 cây thiệt hại 50 - 70% và 100.000 cây bị thiệt hại với mức độ thấp hơn.

Ngoài ra, cả tỉnh có 110ha ao nuôi tôm bị thiệt hại và 3 nhà bè nuôi cá cố định trên sông Thu Bồn tại khu vực xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) bị đứt neo trôi dạt xuống cửa biển Cửa Đại...

Nỗ lực vớt vát

Lội trên những ruộng đậu phụng ngập bùn nước, ông Nguyễn Pháp ở thôn Hà An (xã Điện Phong, Điện Bàn) nói: “Cuối tháng 3 dương lịch, gần 2 sào đậu phụng của tôi trái đã già, chưa kịp thu hoạch thì bất thình lình mưa gió ào tới khiến tất cả chìm trong nước. Bị nước ngâm 4 ngày, bây giờ nhiều trái đậu đã nứt mộng ngay trên dây. Vì vậy, vợ chồng tôi phải khẩn trương thu hoạch nhằm vớt vát chút ít vốn đầu tư”.

Người dân khẩn trương hái những trái dưa hấu chín đem bán để vớt vát lại vốn đầu tư. Ảnh: N.S
Người dân khẩn trương hái những trái dưa hấu chín đem bán để vớt vát lại vốn đầu tư. Ảnh: N.S

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, hiện nay 395ha đậu phụng trên địa bàn thị xã đã đến kỳ thu hoạch.

Ngay khi ngớt mưa gió, 2 ngày qua ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp tập trung vận động, hỗ trợ nông dân nhổ những ruộng đậu phụng bị ngập nước để hạn chế tình trạng trái nứt mộng trên dây. Đồng thời hướng dẫn nhà nông lặt trái và rửa sạch bùn đất rồi dùng máy quạt hong ráo.

Ngoài ra, đối với 44ha dưa hấu bị ngập úng, người dân các địa phương của Điện Bàn đang khẩn trương thu hái những trái chín đem ra bán tại các chợ và dọc những trục đường để gỡ lại tiền vốn đã bỏ ra. Tuy nhiên, hiện nay giá bán dưa hấu trên thị trường chỉ khoảng 2 - 3 nghìn đồng/kg, giảm 50 - 70% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ruộng lúa bị ngập sâu trong nước, nguy cơ năng suất sẽ tụt giảm mạnh. Ảnh: N.S
Nhiều ruộng lúa bị ngập sâu trong nước, nguy cơ năng suất sẽ tụt giảm mạnh. Ảnh: N.S

Tại xã Đại Minh của huyện Đại Lộc, nông dân cũng tất tả khắc phục hậu quả do thiên tai bất ngờ gây ra. Ông Ngô Văn Phi - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Minh nói: “Đợt mưa to, gió mạnh kéo dài vừa qua, toàn xã có 300 sào lúa bắt đầu chín bị ngã đổ và ngập úng nghiêm trọng.

Trong 2 ngày qua, chính quyền địa phương cùng hợp tác xã tập trung vận động nông dân ra đồng tiêu thoát nước trên ruộng và dùng dây dựng lại lúa nhằm hạn chế tình trạng hạt lúa bị hư thối, nẩy mầm ngay trên cây. Tuy nhiên, nhiều khả năng diện tích lúa bị ngã đổ, ngập úng này sẽ mất khoảng 30 - 40% sản lượng so với vụ trước”.

Hôm qua 3.4, khảo sát nhiều xứ đồng khác trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy nhà nông tập trung thu hoạch những ruộng đậu phụng, đậu xanh, bắp đã già và thu hái các ruộng dưa hấu, ớt đã chín.

Đặc biệt, rất nhiều nông dân nỗ lực dựng lại những vạt lúa ngã và khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước trong ruộng nhằm hạn chế tình trạng hạt lúa mọc mầm cũng như các nấm bệnh phát sinh gây hại...

Trước nguy cơ mặn xâm nhập sâu, đầu tháng 2.2022 ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền thị xã Điện Bàn phối hợp xây dựng tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện nhằm đảm bảo nguồn nước cho hàng chục trạm bơm điện hoạt động, chủ động cung ứng nước tưới cho 1.800ha lúa của các địa phương Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông, Điện An, Vĩnh Điện, Điện Phương (Điện Bàn) trong vụ đông xuân 2021 - 2022 này và cả vụ hè thu 2022 sắp tới.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi, công trình đập bổi ngăn mặn đó có chiều dài 97m với tổng kinh phí đầu tư gần 2,5 tỷ đồng. Thế nhưng, do mưa to kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn khiến đập bổi này bị vỡ lúc 21 giờ ngày 1.4.2022.

“Đập bị vỡ, những ngày qua nước đã cuốn trôi phần lớn cát, cọc cừ và bạt của tuyến đập với chiều dài khoảng 67m, ước thiệt hại 1,5 tỷ đồng. Khi nước rút, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại và khẩn trương đầu tư gia cố lại tuyến đập nhằm đảm bảo chống tình trạng xâm nhập mặn trong vụ hè thu 2022 dự báo sẽ xảy ra gay gắt” - ông Chơi nói.


NGUYỄN SỰ