Lúa rẫy tìm được thị trường

TẤN SỸ 01/04/2022 08:35

Thị trường dần rộng mở, hạt lúa rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Trà My đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Lúa rẫy được nấu rượu, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đặc trưng ở Bắc Trà My. Ảnh: TẤN SỸ
Lúa rẫy được nấu rượu, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đặc trưng ở Bắc Trà My. Ảnh: TẤN SỸ

Vụ rẫy cuối năm 2021, gia đình anh Võ Thanh Vũ, ở thôn 2, xã Trà Giáp, thu hoạch gần 100 bao lúa. Anh chỉ để một ít làm giống và thực hiện nghi lễ ăn mừng lúa mới, số còn lại bán hết cho tư thương dưới xuôi. Thu nhập từ vụ lúa rẫy mỗi năm có thể mang lại gần 50 triệu đồng cho gia đình người đàn ông Ca Dong này.

“Trước đây khi chưa có người mua, số lúa dư hàng năm khoảng 40 bao. Để lúa lâu ngày trong kho dễ bị nấm mốc, lên men, sâu mọt. Bây giờ có người đến tận nhà mua, gia đình tôi cũng như bà con yên tâm lắm. Bán lúa rẫy có thêm tiền lo cho con ăn học” - anh Vũ tâm sự.

Theo ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ rừng, vài năm trở lại đây người dân ở các xã vùng cao tận dụng diện tích rẫy cũ để canh tác. Vụ lúa rẫy của đồng bào Ca Dong, Co, Mơ Nông thường bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 9.

Toàn huyện Bắc Trà My có tổng diện tích 400ha lúa rẫy, sản lượng bình quân gần 1.000 tấn/năm. Trước đây, khi chưa có các cơ sở thu mua lúa rẫy ở thị trấn Trà My và các xã vùng thấp, người dân chủ yếu dự trữ để ăn.

Không có thị trường cho hạt lúa đã làm mất đi nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Do đó, khi có các cơ sở kinh doanh đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm lúa rẫy đã tạo được thị trường ổn định, như cơ sở Thái Hòa ở xã Trà Tân mỗi năm thu mua 300 - 500 tấn.

Tư thương đến tận nhà mua lúa rẫy. Ảnh: Tấn Sỹ
Tư thương đến tận nhà mua lúa rẫy. Ảnh: Tấn Sỹ

Anh Trần Ngọc Hòa (chủ cơ sở sản xuất rượu lúa rẫy Thái Hòa) cho biết, xuất phát từ ý tưởng tiêu thụ lượng lúa rẫy dư thừa của người dân, đồng thời tạo ra sản phẩm đặc trưng, từ năm 2017 gia đình anh bắt tay xây dựng sản phẩm rượu lúa rẫy Thái Hòa.

Cùng với nguồn khuyến công, OCOP, gia đình đã đầu tư gần 500 triệu đồng mua sắm máy móc, hoàn thiện quy trình chế biến rượu đảm bảo an toàn. Nguồn nguyên liệu gạo lúa rẫy được thu mua đảm bảo sạch, không hóa chất; quy trình nấu cơm, ủ men được kiểm định chặt chẽ, sau đó chưng cất rượu theo phương pháp thủ công truyền thống.

Tiếp đó là quy trình khử Andehit trong rượu, đo nồng độ cồn ở mức cho phép, tiến hành đóng chai, dán nhãn mác và xuất ra thị trường tiêu thụ. Năm 2018, sản phẩm rượu lúa rẫy Thái Hòa Bắc Trà My được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Hơn 3 năm qua, cơ sở Thái Hòa đã mua hơn 1.500 tấn lúa của người dân, liên kết với các nhóm hộ ở Trà Bui, Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka... để trồng lúa rẫy sạch, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

“Mong muốn của chúng tôi là không chỉ sản xuất rượu, mà tiếp tục đưa hạt lúa rẫy của bà con vùng cao vào thị trường OCOP bằng những sản phẩm đặc trưng khác” - anh Hòa nói.

TẤN SỸ