Bệnh khảm lá sắn bùng phát mạnh
Gần đây, bệnh khảm lá bùng phát mạnh trên hàng loạt diện tích sắn ở nhiều địa phương của huyện Quế Sơn. Theo cơ quan chuyên môn, loại bệnh nguy hiểm này hiện không có thuốc đặc trị. Khi bị nhiễm bệnh, cây sắn phát triển kém, không có củ hoặc năng suất củ đạt thấp.
Bệnh gây hại diện rộng
Theo chân bà Lê Thị Lập - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quế Phong, phóng viên Báo Quảng Nam khảo sát nhiều nơi và nhận thấy hàng loạt diện tích sắn ở địa phương bị nhiễm bệnh khá nặng.
“Năm ngoái, bệnh khảm lá cũng gây hại nghiêm trọng nhiều ruộng sắn khiến vụ mùa thất bát, mất nguồn thu nhập dẫn đến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Những ngày qua, loại bệnh nguy hiểm này lại bùng phát mạnh trên diện rộng, nguy cơ lại thêm một vụ sắn thất bại” - bà Lập nói.
Theo ngành chuyên môn, đối với các ruộng sắn có tỷ lệ nhiễm bệnh khảm lá dưới 70%, nông dân tiến hành nhổ cây bị bệnh (gồm cả củ), thu gom và đốt. Đối với các ruộng sắn có tỷ lệ nhiễm bệnh lớn hơn 70%, nhổ toàn bộ ruộng sắn, thu gom và đốt. Các ruộng sắn có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ, còn thân và lá phải đem tiêu hủy.
Bà Lê Thị Thanh Thủy - cán bộ nông nghiệp xã Quế Phong cho biết, năm 2021 nông dân trên địa bàn xã trồng khoảng 300ha sắn. Do bệnh khảm lá gây thiệt hại nặng nên năm nay nhiều hộ dân chủ động cắt giảm diện tích canh tác.
Theo bà Thủy, vụ này toàn xã sản xuất 200ha sắn (giảm 100ha so với năm ngoái), chủ yếu sử dụng 2 loại giống là PLT01 và Lagiong09. Phần lớn số diện tích sắn nêu trên được xuống giống vào đầu tháng 1.2022.
“Trong số 200ha sắn của xã Quế Phong, hiện đã có 170ha bị nhiễm bệnh nặng và 30ha nhiễm bệnh nhẹ. Trong 170ha nhiễm bệnh nặng, có một số ruộng sắn bị chết; còn lại hầu hết diện tích là cây sắn kém phát triển và chắc chắn sẽ không có củ hoặc rất ít củ” - bà Thủy nói.
Trao đổi với chúng tôi vào sáng qua 24.3, ông Nguyễn Mậu Ánh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn thông tin, thời gian qua bệnh khảm lá trên cây sắn bùng phát mạnh tại rất nhiều địa phương của huyện. Vụ này nông dân Quế Sơn trồng tổng cộng 1.600ha sắn, chủ yếu sử dụng các giống như KM94, PLT01...
Tính đến thời điểm này, trong số 1.600ha sắn của huyện, đã có đến 1.500ha bị nhiễm bệnh khảm lá. Những địa phương bị bệnh này gây hại nặng là Quế Mỹ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Hiệp, Quế An, Quế Minh, Quế Phong, Quế Long.
“Trong 1.500ha sắn nhiễm bệnh, có khoảng 1.000ha bị hại từ 20% trở lên. Những ruộng sắn bị nhiễm bệnh sớm chắc chắn sẽ không có củ, còn các ruộng sắn bị nhiễm bệnh trễ thì năng suất sẽ giảm khoảng 60%” - ông Ánh nói.
Chưa có thuốc đặc trị
Theo cơ quan chuyên môn, khảm lá sắn là một bệnh hại nguy hiểm do vi rút Sri Lanka Cassava Mosaic gây ra. Bệnh này có khả năng phát tán và lây lan rất nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom sắn giống.
Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm.
Để phòng trừ môi giới truyền bệnh khảm lá sắn, nông dân cần sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng. Những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh, cần phun trừ bọ phấn trắng bằng thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Phun khi bọ phấn trắng ở giai đoạn ấu trùng thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Ông Nguyễn Mậu Ánh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho hay, hiện nay bệnh khảm lá trên cây sắn chưa có thuốc đặc trị. Nếu ruộng sắn nào bị nhiễm bệnh từ 70% trở lên, ngành liên quan và chính quyền các địa phương nên tập trung khuyến cáo, hỗ trợ nông dân phá bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác.
“Để hạn chế thiệt hại cho nhà nông, trong các vụ tới nhất thiết phải loại bỏ những giống sắn thời gian qua đã bị nhiễm nặng bệnh khảm lá, thay bằng những giống có chất lượng tốt và có khả năng kháng bệnh này...” - ông Ánh nói thêm.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Thủy - cán bộ ban nông nghiệp xã Quế Phong cho rằng, trước tình trạng bệnh khảm lá sắn gây hại diện rộng, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân địa phương phá bỏ những ruộng sắn bị nhiễm bệnh nặng và chuyển sang trồng bắp, đậu phụng để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, việc này là không khả thi. Bởi, ở đây hầu hết đất trồng sắn tập trung trên những khu vực gò đồi nên không thể chuyển sang trồng bắp, đậu phụng vì không có nước tưới...