Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng mạnh đang tác động lớn đến người chăn nuôi trong nước.
Đây là thông tin đáng chú ý tại hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN), do Bộ NN&PTNT tổ chức vào cuối tuần qua. Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị.
Tăng giá mạnh
Năm 2021, tổng đàn heo của cả nước đạt khoảng 28 triệu con. Theo số liệu thống kê tại thời điểm tháng 2.2022, tổng đàn heo của Quảng Nam đạt 302 nghìn con. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 cơ sở sản xuất TACN (1 cơ sở sản xuất TACN hỗn hợp hoàn chỉnh và 6 cơ sở sản xuất TACN truyền thống). Sản lượng TACN (thức ăn hỗn hợp) sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng năm khoảng 36 nghìn tấn. Nhu cầu sử dụng TACN (hỗn hợp) cho gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh rất lớn (khoảng 610 tấn/năm). Phần lớn nguồn thức ăn này được cung cấp bởi các cơ sở sản xuất TACN ở Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai… thông qua 290 cơ sở mua bán TACN tại 12 huyện, thị xã, thành phố.
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ năm 2015 - 2019, giá nguyên liệu TACN trong nước tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần. Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là xung đột Nga và Ukraine gần đây đã đẩy giá nguyên liệu TACN tăng mạnh.
So với cùng kỳ năm ngoái (tháng 3.2021), giá nguyên liệu TACN tháng 3.2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc. Mức tăng cao nhất là giá lúa mì đã lên tới 9.850 đồng/kg, tăng tới 49,5%; khô dầu đậu tương: 16.500 đồng/kg, tăng 33,4%; bắp hạt: 10.200 đồng/kg, tăng 29,3%; bã bắp: 10.300 đồng/kg, tăng 23,1%.
Nếu trước đây giá bắp chỉ khoảng 4.700 đồng/kg thì đến nay đã tăng lên trên dưới 10.000 đồng/kg, đỗ tương trước đây chỉ hơn 8.000 đồng/kg đến nay đã tăng lên 16.300 đồng/kg…
Dự kiến, giá nguyên liệu TACN vẫn tăng đến hết năm 2022. Ông Tống Xuân Chinh cho biết, do giá nguyên liệu tăng mạnh nên giá TACN công nghiệp trong nước cũng tăng theo. Giá thức ăn cho heo thịt xuất chuồng đã tăng lên 12.500 đồng/kg (tăng 18,4%), thức ăn cho gà thịt lông màu tăng lên 13.400 đồng/kg (tăng 24,5%), thức ăn cho gà thịt lông trắng cũng tăng lên 14.100 đồng/kg (tăng 29,8%).
Phân tích về việc giá TACN tăng cao, ông Tống Xuân Chinh nói: “Sản xuất TACN trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu trên thế giới. Sở dĩ nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc là do năng lực sản xuất nguyên liệu TACN trong nước còn hạn chế, công nghệ sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi thiếu đồng bộ, nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thủ công”.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, đến năm 2021 cả nước có 269 cơ sở sản xuất TACN, đạt sản lượng 21,9 triệu tấn (tăng 15,9% so với năm 2019). Tuy nhiên, để đáp ứng sản lượng TACN công nghiệp nêu trên, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh (bắp, sắn, lúa mì…).
Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn nguyên liệu nhưng trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm tỷ lệ khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (22,3 triệu tấn). Trong khi đó, hiện Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mì, bắp… để làm TACN. Chiến sự xảy ra giữa Nga và Ukraine đã khiến giá nguyên liệu TACN nhập khẩu tăng mạnh.
Linh hoạt ứng phó
Nhiều ý kiến cho rằng, để chủ động hơn trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất TACN, cần phải hình thành vùng nguyên liệu để tập trung công nghệ cao, tăng năng suất thì mới có thể giảm bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu.
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, giá thức ăn chiếm tới 65 - 70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần TACN từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm nêu trên.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi và các địa phương trong thời gian tới cần nhân rộng hơn nữa các công thức xây dựng khẩu phần ăn từ nguyên liệu trong nước để gỡ khó cho người chăn nuôi vượt qua giai đoạn giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao.
“Ngoài ra, ngành liên quan và chính quyền các cấp phải tập trung hướng dẫn nông dân chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa, rau màu hiệu quả thấp sang trồng các loại cây chủ lực làm TACN như bắp, sắn theo hình thức liên kết sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất TACN nên tổ chức thu mua bắp, sắn của nông dân theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm với mức giá ổn định...” - ông Tiến nói thêm.