Tổng đàn heo toàn tỉnh đạt 302 nghìn con
(QNO) - Sáng nay 18.3, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2015 - 2021, tổng đàn heo cả nước tăng trưởng bình quân 0,2%, heo thịt xuất chuồng tăng 0,3% và tổng sản lượng thịt xuất chuồng tăng 2,8%. Riêng năm 2021, tổng đàn heo cả nước đạt khoảng 28 triệu con; sản lượng thịt heo đạt 4,18 triệu tấn, chiếm 62,5% trong tổng sản lượng thịt hơi 6,69 triệu tấn.
Trong năm qua, Việt Nam nhập khẩu 346 nghìn con heo sống và 143.463 tấn thịt heo; xuất khẩu khoảng 5.000 tấn heo sữa và heo choai. Đến đầu tháng 3.2022, giá thịt heo hơi xuất chuồng giảm còn 50 - 53 nghìn đồng/kg.
Chăn nuôi heo đang có sự chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Năm 2021, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi heo từ 10 con trở lên; tổng đàn thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi heo quy mô lớn đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn cả nước.
Tại Quảng Nam, theo số liệu thống kê tại thời điểm tháng 2.2022, tổng đàn heo toàn tỉnh đạt 302 nghìn con, tăng 1,7% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thịt heo hơi 2 tháng đầu năm ước đạt 4.827 tấn, tăng 2,7%. Tổng đàn heo chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 22%.
Theo đánh giá, tổng đàn heo hiện nay của tỉnh chỉ bằng khoảng 70% tổng đàn khi chưa có dịch tả lợn châu Phi. Hiện dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 12/18 huyện, thị xã, thành phố với số heo mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc là 1.173 con.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển chăn nuôi heo trên cả nước còn gặp những khó khăn, tồn tại do ảnh hưởng dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi; chi phí đầu vào tăng cao; tổ chức sản xuất chăn nuôi với thị trường còn nhiều bất cập; năng suất chăn nuôi còn hạn chế…