Làm giàu từ trang trại tổng hợp
Từ tay trắng, anh Nguyễn Anh Tài và chị Nguyễn Thị Thu (thôn Tân Thuận, xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) vượt khó, vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp trồng rừng.
Không nhà cửa, không vốn liếng làm ăn, nhiều năm trước, anh Nguyễn Anh Tài và chị Nguyễn Thị Thu dắt díu nhau vào rẫy nương tìm sinh kế. Từ con suối lớn chảy dưới chân mảnh đất rẫy tương đối bằng phẳng, anh Tài vét mương dẫn nước vào đồng ruộng để trồng lúa, tưới tiêu cho cây màu, thả nuôi heo, gà, rồi mượn vốn mua cặp bò giống để gầy đàn.
Khi đã ổn định được nguồn lương thực tại chỗ, có ít vốn trong tay, anh Tài tiếp tục đầu tư con giống, nhân đàn, từng bước đầu tư chuồng trại bán kiên cố theo hướng chăn thả bán tự nhiên.
Cách đây 6 năm, từ sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức, gia đình anh Tài được hỗ trợ 4 con giống dê bách thảo để nuôi thí điểm. Đến nay, tổng đàn dê của anh Tài duy trì ở mức từ 30 - 40 con. Đợt tết vừa qua, anh xuất bán 10 con dê thương phẩm với trọng lượng mỗi con 30 - 40kg, giá mỗi ký hơi 120 nghìn đồng.
Theo anh Tài, so với giống dê cỏ bản địa, dê bách thảo to con hơn, sinh sản nhanh và mạnh, rủi ro thấp, lợi nhuận cao hơn so với các vật nuôi truyền thống khác. Nuôi dê sinh sản cũng đạt hiệu quả, vì nguồn thức ăn từ lá cây, cỏ, chi phí ít.
Anh Tài cũng nhân giống, phát triển tổng đàn heo rừng lai lên 40 - 50 con, có thời điểm kể cả heo bố mẹ, heo con lên tới cả trăm con. Tết vừa qua, anh Tài xuất bán hơn mười con heo, mỗi con 35 - 40 kg, với giá heo hơi 120 - 140 nghìn đồng/kg.
Không chỉ nuôi heo rừng lai, vợ chồng anh Tài còn đầu tư phát triển con giống đàn bò lai, nuôi bò 3B với tổng đàn 10 con. Hơn 10 năm trước, chỉ có mỗi con đường mòn nhỏ vào khu vực sản xuất nên việc đi lại, sản xuất gặp nhiều khó khăn, nay thì có xe tải chạy thẳng đến tận nơi nên việc vận chuyển dễ dàng rất nhiều.
Hiện, gia đình anh Tài có 1 trại nuôi heo rừng lai, 1 trại nuôi dê bách thảo, 1 trại nuôi bò lai nằm ở 3 khu vực riêng biệt, cao ráo, thoáng mát. Anh còn đầu tư trồng cỏ nuôi bò, trồng sắn, trồng các loại rau đậu để tạo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. Gia đình anh đang từng bước chuyển đổi dần diện tích trồng keo sang trồng cây ăn quả các loại, trồng cau, dừa, cam, sầu riêng, măng cụt...
“Tôi muốn biến vùng đất rừng đồi của mình thành trang trại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, phát triển mô hình kinh tế trang trại V-A-C, dùng tua bin phát điện để sinh hoạt và sản xuất” - anh Tài chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Khung - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức cho hay, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi thì con heo rừng lai, heo đen bản địa là đối tượng vật nuôi giàu tiềm năng. Các đối tượng khác như con bò lai, bò 3B, dê bách thảo dần thay thế giống bò cỏ, dê cỏ bản địa cũng là đối tượng nuôi phù hợp.
“Mô hình kinh tế gia trại, trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả của gia đình anh Tài khá hiệu quả bởi sự đa dạng về đối tượng cây trồng, con vật nuôi và chuồng trại được đầu tư bài bản, doanh thu cũng khá tốt. Mô hình xứng đáng được nhân rộng đối với những hộ dân có điều kiện và có đất vườn rừng, gò đồi” - ông Khung nói.