Sinh kế dưới tán rừng
Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại dưới tán rừng theo hướng sản xuất hàng hóa đã và đang mang lại tín hiệu tích cực trong giảm nghèo, ổn định kinh tế ở vùng cao Nam Trà My.
Nhiều lợi thế
Từ năm 2006 đến nay, các cơ chế chính sách phù hợp được ban hành cùng với lợi thế sẵn có của địa phương đã tạo động lực để nông dân vùng cao mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đạt giá trị cao, từ đó hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn.
Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, tận dụng các điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân cải tạo vườn tạp, phát triển vườn đồi, vườn rừng, xây dựng các trang trại quy mô lớn. Toàn huyện có 3.269 vườn, tổng diện tích hơn 1.017ha, trong đó có 3 vườn đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại với diện tích khoảng 10.000 m2/vườn.
“Vườn rừng, vườn đồi hay vườn nhà được người dân bố trí rất nhiều giống cây trên cùng diện tích dựa theo mô hình nông lâm kết hợp, từ loại cây ngắn ngày cho đến cây lâu năm, cây ăn quả... quanh năm xanh tốt, nhờ đó người dân đã có thể thu hoạch sản phẩm trong vườn quanh năm” - ông Hải nói.
Vài năm trở lại đây, việc liên kết giữa hộ gia đình với doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV-KTTT) dần phổ biến ở Nam Trà My, tạo nên môi trường sản xuất ổn định, bền vững, đồng thời kết hợp việc bảo tồn và phát triển các giống cây dược liệu quý mang tính đặc sản, đặc thù vùng miền.
Bà Hồ Thị Mười - Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Ngọc Linh cho biết, ngoài quy hoạch gần 9ha đất để trồng sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu, hợp tác xã cũng đã sớm liên hệ các chủ vườn để tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm.
“Việc liên kết hợp tác với người làm vườn giúp doanh nghiệp chủ động và quản lý tốt nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá cả, hạn chế việc được mùa mất giá, được giá mất mùa gây bất ổn trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình và gây lãng phí nguyên liệu” - bà Mười chia sẻ.
Hiện nay Nam Trà My có 9 hộ sản xuất, 6 hợp tác xã và 3 công ty TNHH đang hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản và các loại cây dược liệu, góp phần ổn định đầu ra cho người dân.
Sinh kế từ rừng
Huyện Nam Trà My có hệ sinh thái và rừng nguyên sinh hết sức đa dạng, được bảo tồn nghiêm ngặt với độ che phủ rừng hơn 68% và tiếp tục tăng lên nhờ chú trọng phục hồi rừng một cách bài bản. Năm 2021, toàn huyện đã triển khai trồng mới 1.873ha rừng. Trong đó chú trọng ưu tiên cho các khu rừng tái sinh, rừng khoanh nuôi bảo vệ để nhân dân tập trung trồng cây lâu năm, cây gỗ lớn, cây nguyên liệu, cây cho bóng mát gắn với phát triển dược liệu.
Các loài dược liệu đặc hữu như sâm nam, giảo cổ lam, đương quy, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, chè dây, khổ qua rừng... đang được bà con sống dưới sườn núi Ngọc Linh phát triển chuyên canh theo quy mô lớn với tổng diện tích đến nay hơn 1.000ha.
Điển hình như mô hình trồng sâm nam tập trung của người dân thôn 1 Trà Linh, thôn 3 Trà Cang cho doanh thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng/hộ. Hay như mô hình trồng cây dổi xanh tại xã Trà Vân bước đầu cho thấy sự thích nghi rất tốt với khí hậu thổ nhưỡng và đã cho hạt để bà con tiếp tục nhân giống mở rộng diện tích, tiến tới phát triển lên hàng nghìn héc ta.
Huyện Nam Trà My cũng đang đầu tư mở rộng vườn ươm giống dược liệu từ 6ha hiện nay lên 16ha, đáp ứng nguồn giống dược liệu bản địa đạt chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển trong nhân dân cũng như cung ứng cho các địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, hơn 1.000ha đất đã được sử dụng một cách hữu hiệu, đúng mục đích, giải quyết hơn 100 lao động nhàn rỗi. Bên cạnh đó, bảo tồn được rất nhiều giống cây trồng quý hiếm, nhân rộng ra rất nhiều bản làng xa, tuy bước đầu có nhiều hạn chế nhưng những giá trị mang lại cho nông dân là rất lớn.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, định hướng của huyện là ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, lấy nông nghiệp nông thôn làm cơ bản và phát huy lợi thế kinh tế miền núi. Huyện cũng đã tập trung phát triển mạnh cây dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng và thu hút khách du lịch.
“Chúng tôi tận dụng lợi thế từ việc lấy ngắn nuôi dài, kết hợp phát triển các loại cây dược liệu ngắn ngày, cây ăn quả và mô hình vườn - ao - chuồng dưới tán rừng. Bên cạnh đó, huyện chú trọng bảo tồn, khôi phục rừng để tạo sinh kế cho người dân từ rừng. Có như vậy mới vừa phát triển nền lâm nghiệp bền vững, vừa thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cho người dân miền núi” - ông Mẫn nói.