Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái
Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh và kỹ thuật làm đệm lót sinh thái phục vụ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, hạn chế ô nhiễm môi trường được ngành nông nghiệp huyện Hiệp Đức chú trọng.
Những năm qua, tại Hiệp Đức, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình vẫn còn phổ biến, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp huyện đã chú trọng ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật làm đệm lót sinh thái, hỗ trợ chi phí làm đệm lót cũng như chế phẩm vi sinh đến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhân rộng mô hình trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức, đệm lót sinh thái được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao, không bị nước làm nhũn nát như trấu, mùn cưa, phôi bào, rơm, rạ… trộn với một hệ vi sinh vật (men vi sinh) để phân hủy phân, nước tiểu của vật nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm. Phương thức này được khuyến khích phát triển và được xem là hướng đi bền vững của ngành chăn nuôi.
Một trong những hộ ứng dụng kỹ thuật làm đệm lót sinh thái phục vụ chăn nuôi khá hiệu quả là bà Nguyễn Thị Tài (thôn Nhất Đông, xã Bình Lâm). Bà Tài nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn từ 15 - 20 heo nái và heo thịt, heo con.
Từ khi được cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức đến tận nơi tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ chi phí, nguyên liệu làm đệm lót, cơ sở bà Tài đã giảm được mùi hôi và không phát sinh chất thải chăn nuôi.
“Tôi tự mày mò học hỏi cách làm đệm lót nhưng không đạt yêu cầu, đệm bị hư. Nhờ tham gia tập huấn, tôi đã làm đúng kỹ thuật. Từ khi triển khai mô hình, việc chăn nuôi của tôi hiệu quả hơn, vật nuôi lớn nhanh hơn. Cứ mỗi năm, có thể thay đệm lót một lần và mỗi tấm đệm lót có thể nuôi được 3 lứa heo” - bà Tài chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Tấn Khung - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức, năm 2014, ngành nông nghiệp huyện từng triển khai công nghệ biogas để hạn chế ô nhiễm môi trường, song công nghệ này không hiệu quả. Công nghệ biogas đòi hỏi người chăn nuôi phải sử dụng nước để tắm heo, dội rửa chuồng thường xuyên và chất thải, nước thải chăn nuôi nhiều.
Còn với đệm lót sinh thái, nếu làm đúng kỹ thuật, sẽ khắc phục được những điểm yếu trên. Để làm đệm lót hiệu quả, nền chuồng nuôi phải được bố trí thành hai phần: phần bệ bê tông và phần đệm lót. Đáy chuồng nên làm nổi trên mặt đất, trên mực nước cao nhất nhằm tránh nước ngầm, nước nhĩ hay nước mưa ngấm vào làm hỏng đệm lót.
“Với mô hình đệm lót sinh thái, tối thiểu phải bố trí 1,5m2 chuồng trại/1 con heo. Việc bố trí kích thước rộng hơn vẫn tốt, giúp tấm đệm lót sử dụng lâu hơn nhưng sẽ gây lãng phí nếu không sử dụng hết công năng. Chi phí làm đệm lót thấp nhưng hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường cao nên nhiều hộ chăn nuôi đang thực hiện” - ông Khung nói.