Mùa vui trên cánh đồng mẫu lớn
(Xuân Nhâm Dần) - Nông nghiệp của Quảng Nam tạo bước chuyển từ việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và thu hút doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa.
Hiệu quả từ liên kết sản xuất
Dạo thăm nhiều xứ đồng của xã Đại Minh thuộc huyện Đại Lộc, chúng tôi như bị hút hồn trước màu xanh mơn mởn của những ruộng lúa ngút tầm mắt. Nhiều nông dân đang hối hả trên những cánh đồng mẫu lớn canh tác lúa giống theo hướng hàng hóa tập trung.
Ông Nguyễn Thành Nguyên - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Phước cho biết, từ năm 2011 đến nay, qua HTX Nông nghiệp Đại Minh, 200 hộ dân trên địa bàn liên kết với Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên sản xuất 47ha hạt giống lúa thuần TBR225 trên các cánh đồng mẫu lớn vào mỗi vụ đông xuân.
“Hướng sản xuất này mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Riêng gia đình tôi, vụ đông xuân năm ngoái liên kết với doanh nghiệp canh tác 10 sào giống lúa thuần TBR225. Năng suất bình quân mỗi sào đạt 360 - 400kg lúa giống khô. Phía công ty thu mua sản phẩm 8.700 đồng/kg, quy ra giá trị đạt 3,1 - 3,5 triệu đồng/sào. So với làm lúa thương phẩm, sản xuất giống lúa hàng hóa cho thu nhập tăng thêm khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/sào/vụ” - ông Nguyên chia sẻ.
Bà Phạm Thị Ngọc Hậu - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh cho hay, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm đơn vị liên kết với Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên tổ chức cho khoảng 850 - 900 hộ nông dân trên địa bàn 3 thôn gồm Tây Gia, Gia Huệ, Phú Phước sản xuất từ 200 - 250ha hạt giống lúa thuần BC15 và TBR225.
Nông dân được doanh nghiệp cung ứng nguồn lúa giống chất lượng cao, còn HTX thì bán các loại phân bón theo phương thức trả chậm với số lượng hơn 100 tấn/năm.
Hơn 10 năm qua, bình quân hằng năm doanh nghiệp này thu mua của nông dân Đại Minh khoảng 700 - 1.000 tấn lúa giống. Mô hình liên kết sản xuất này giúp thu nhập của người dân địa phương tăng thêm 1,5 - 2 tỷ đồng/năm.
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, từ hiệu quả thiết thực của mô hình liên kết sản xuất lúa giống, những năm đến huyện sẽ tiếp tục hình thành thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn và hỗ trợ nhà nông mở rộng diện tích liên kết sản xuất.
Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, ngoài việc duy trì sản xuất mỗi năm 200ha hạt giống lúa lai thì Đại Lộc phấn đấu tăng diện tích canh tác hạt giống lúa thuần từ 1.300ha lên 1.800ha/năm. Phần lớn diện tích tập trung ở các xã Đại Quang, Đại Hiệp, Đại Minh, Đại Phong, Đại Cường, Đại Thắng và thị trấn Ái Nghĩa.
Hướng mở chiến lược
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua Quảng Nam tập trung dồn điền đổi thửa gần 22.000ha đất lúa; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác hình thành nhiều mô hình tích tụ ruộng đất.
Theo Sở NN&PTNT, trong 2 vụ đông xuân và hè thu của năm 2021, thông qua các HTX nông nghiệp, nông dân nhiều địa phương của tỉnh liên kết với hơn 30 doanh nghiệp sản xuất 4.600ha các loại hạt giống lúa thuần cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận và lúa lai 2 dòng, 3 dòng.
Ông Nguyễn Đình Vương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, tham gia liên kết sản xuất giống lúa, nông dân được các công ty, HTX cung ứng nhiều loại vật tư thiết yếu như hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Cạnh đó, được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp. Hầu hết cánh đồng sản xuất giống lúa thực hiện nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống và tiến hành gieo sạ đồng loạt để thuận tiện trong việc bón phân, điều tiết nước tưới, phòng trừ sâu bệnh.
“Nếu sản xuất hạt giống lúa thuần, thu nhập của người dân tăng thêm ít nhất 20% so với làm lúa thương phẩm. Còn nếu sản xuất hạt giống lúa lai F1, thu nhập tăng gấp 3,5 - 4 lần” - ông Vương nói.
Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, qua nhiều năm liên kết sản xuất, giờ đây kỹ năng thâm canh giống lúa của nông dân được nâng lên rõ rệt. Trong khi đó, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Quảng Nam khá phù hợp với mô hình sản xuất giống lúa hàng hóa.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các cấp sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa và tập trung huy động nguồn lực xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng để hình thành thêm những cánh đồng mẫu lớn chuyên canh giống lúa.
“Từ nay đến năm 2025 Quảng Nam sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp liên kết với nông dân nâng diện tích sản xuất hạt giống lúa thuần và lúa lai lên khoảng 8.000 - 10.000ha/năm. Xem đây là hướng mở tạo đòn bẩy trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp” – ông Trần Út nói.