Kỳ vọng nông nghiệp theo chuỗi giá trị

LÊ MUỘN 02/02/2022 06:11

(Xuân Nhâm Dần) -  Các chủ thể là tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nhóm lên “đốm lửa” hy vọng về hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị... 

Mùa lúa chín ở xã Tam An, huyện Phú Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Mùa lúa chín ở xã Tam An, huyện Phú Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Dù bị thiên tai, dịch bệnh nhưng năm 2020, nông lâm thủy sản của Quảng Nam tăng trưởng 3,5%, trong khi các ngành kinh tế khác giảm sâu và GRDP của tỉnh tăng trưởng âm 7%. Tổng giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản (giá so sánh 2010) bình quân 5 năm (2016-2020) tăng hơn 4%. Năm 2021, tiếp tục gặp khó nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đạt những kết quả lạc quan.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, nông thôn vẫn là nơi đón nhận những lao động bị mất việc trở về quê, sống dựa vào trụ đỡ nông nghiệp. Được như vậy là nhờ sản xuất nông nghiệp ít bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Những khó khăn cần đối diện

Những con số tổng hợp cho thấy sự chuyển dịch tăng của thủy sản, lâm nghiệp, giá trị sản xuất cây lương thực giảm dần trong cơ cấu nội bộ ngành. Tuy nhiên, khó đòi hỏi sự tăng tiến nhảy vọt với sản xuất nông nghiệp trong một vài năm, thậm chí qua mỗi kỳ kế hoạch 5 năm, nhất là với một tỉnh không có những vùng đất canh tác rộng lớn để có những vùng chuyên canh tập trung như Nam Bộ, Tây Nguyên.

Phân tích tiêu chí thu nhập ở hầu hết xã đạt chuẩn nông thôn mới, có hơn 70% cơ cấu là từ tiền công, tiền lương và sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; số nông dân khá lên dựa vào sản xuất nông nghiệp không nhiều.

Biết vậy, nhưng tôi vẫn tự hỏi, bằng cách nào mà tỉnh Bắc Giang đã giúp nông dân khá lên nhờ chuyển đổi hàng nghìn héc ta đất lúa sang trồng chuyên canh vải thiều; hay như gà đồi Yên Thế và nhiều địa phương khác ở trung du, miền núi phía Bắc, tiêu thụ ổn định, người nuôi có lãi?…

Quảng Nam cũng đã có nhiều vùng chuyên canh cây trồng cạn, cả trên đất lúa và đất màu, nhưng khó mở rộng. Có thời điểm dưa hấu, ớt đã lên cả nghìn héc ta, cà gai leo được trồng đến vài trăm héc ta… nhưng rồi phải giảm diện tích hoặc bỏ sản xuất.

Giá trị thủy sản tăng khá nhưng chứa đựng các yếu tố kém bền vững cả trong khai thác, lẫn nuôi trồng. Thế mạnh kinh tế dựa vào rừng, với mục tiêu chuyển mạnh sang thâm canh rừng gỗ lớn, phát triển dược liệu và các lâm sản ngoài gỗ khác chưa như kỳ vọng.

Có nhiều nguyên nhân nhưng chung quy là do thị trường và hiệu quả sản xuất quyết định. Nói như thế không có nghĩa là quản lý nhà nước vô can khi nông dân tự vật lộn với thị trường.

Để có được đầu ra dần ổn định cho vải thiều, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang đã cùng các bộ, ngành tích cực vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân; từ sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đến xúc tiến thương mại để xuất khẩu sang Trung Quốc và tiến thêm một bước, khi vào các thị trường khó tính hơn.

Còn thêm nhiều ví dụ thành công tương tự ở một số địa phương khác, điểm chung là nơi đó có các doanh nghiệp chế biến, thương mại nông sản, đủ mạnh làm đầu tàu.

Vai trò của doanh nghiệp đã rất rõ nhưng đây lại là điểm nghẽn của Quảng Nam. Từ năm 2019, đã có mã số trồng dưa hấu để xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng đến nay, ở tỉnh chưa có mã số cơ sở đóng gói nào được cấp.

Đây là ví dụ về sự thiếu vắng doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh; nếu chậm cải thiện, từ đầu năm 2022 sẽ càng gặp khó khi thực hiện quy định về chất lượng nông sản và doanh nghiệp phải đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc.

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng là người từng tham gia việc này, tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp bỏ đi, sau khi khảo sát đất đai, nguyên liệu; một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy thì đang rất khó khăn trong việc tìm nguyên liệu.

Bắt đầu từ đâu?

Nằm trong tình trạng chung, sản xuất nông nghiệp đang thâm dụng tài nguyên và thâm canh dựa vào hóa chất để đạt năng suất, sản lượng cao, là yếu tố kém bền vững nhất. Hệ quả là chi phí đầu vào cao, giá nông sản thấp nên tỷ lệ tích lũy rất nhỏ.

Nguồn nguyên liệu ở miền núi dồi dào, tạo thuận lợi phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Nguồn nguyên liệu ở miền núi dồi dào, tạo thuận lợi phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Nông nghiệp đã không giúp nông dân khá lên về kinh tế; tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học bị suy kiệt, ô nhiễm môi trường, là những nguyên nhân chính làm gia tăng tần suất và mức độ của thiên tai, dịch bệnh...

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phải dựa trên chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái gắn với tích hợp đa giá trị. Phát huy thế mạnh vùng núi trong quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất rừng theo đa mục tiêu, phát triển nông nghiệp thuận tự nhiên, hữu cơ gắn với dịch vụ du lịch.

Vùng đồng bằng, ven biển cần khắc phục tình trạng lạm dụng hóa chất và các mối nguy ô nhiễm môi trường khác, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; hình thành các vùng đủ điều kiện sản xuất lúa, rau, các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản theo tiêu chuẩn hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, trước hết là chuyển từ sản xuất nông sản thô sang kinh doanh nông phẩm, có tiêu chuẩn chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc. Không hô hào chung về nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, mà cần tích cực chuẩn bị các điều kiện đảm bảo, xác định nội dung ứng dụng phù hợp với từng điều kiện sản xuất.

Trước mắt, mở rộng ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tưới tiết kiệm, công nghệ sinh học… giúp nông dân có kiến thức, kỹ năng sử dụng các tiện ích trên môi trường mạng để học tập, lập nhóm trao đổi thông tin về sản xuất - thị trường.

Để thực hiện nông nghiệp sinh thái gắn với tích hợp đa mục tiêu theo chuỗi giá trị, nhất thiết phải có các chủ thể là các hợp tác xã/ tổ hợp tác, doanh nghiệp, các chủ trang trại. Tôi tin, các đốm lửa từ chương trình OCOP, khởi nghiệp sáng tạo là các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp tục nhen nhóm, thổi bùng lên sẽ lan tỏa đều khắp những làng quê.

Họ có lợi thế trong tổ chức hợp tác, liên kết và gom mua nguyên liệu từ nông hộ đạt chuẩn theo yêu cầu của mình. Ban đầu, sức vóc từng chủ thể chưa lớn nhưng cộng dồn nhiều cơ sở thì khối lượng nông sản được chế biến, tiêu thụ không nhỏ; quy mô sản xuất nhỏ vẫn có thể ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến toàn cầu.

Mặt khác, các chủ thể này và lớp nông dân trẻ có kiến thức, sẽ thúc đẩy chuyên nghiệp hóa nông dân. Khi đó, thực tiễn sản xuất sẽ thuyết phục các doanh nghiệp lớn tìm đến hợp tác, liên kết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo thành cơ cấu hợp lý, bổ sung cho nhau để thúc đẩy sản xuất, chế biến, thương mại nông sản phát triển.

Nền nông nghiệp như vậy, không chỉ tạo ra giá trị gia tăng từ nông phẩm và các sản phẩm địa phương chế biến, thương mại, du lịch trong chuỗi giá trị của mình, mà còn hài hòa với những giá trị về xã hội, môi trường. Mong rằng, nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ khi đất nước khó khăn; cần hơn thế, nông nghiệp phải là một ngành kinh tế thế mạnh, đóng góp xứng tầm trong phát triển chung.

LÊ MUỘN