Hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị: Thành quả bước đầu

CÔNG TÚ 13/01/2022 06:33

Thực hiện chương trình mỗi huyện một hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, các đơn vị tham gia thí điểm có những bước chuyển đáng ghi nhận.

Lúa giống sau thu hoạch được đưa về HTX Nông nghiệp Duy Hòa II để sấy, cung cấp cho doanh nghiệp. Ảnh: CT
Lúa giống sau thu hoạch được đưa về HTX Nông nghiệp Duy Hòa II để sấy, cung cấp cho doanh nghiệp. Ảnh: CT

Thành quả bước đầu

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Duy Hòa II (Duy Xuyên) tham gia chương trình từ năm 2019 và bắt đầu thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Đình Phước - Giám đốc HTX chia sẻ, đơn vị đã liên kết với nông dân và doanh nghiệp triển khai sản xuất lúa giống trên diện tích hơn 100ha, sau đó mở rộng sang trồng dâu nuôi tằm, trồng sen.

“Liên kết sản xuất lúa giống, chúng tôi lo hết đầu vào và đầu ra cho bà con. Hiệu quả chuyển biến thấy rõ khi sản lượng tăng 10 - 20%, giá bán cao hơn 1 - 2 nghìn đồng/kg so với lúa thương phẩm trên thị trường” - ông Nguyễn Đình Phước cho biết.

Liên kết chuỗi giá trị cây sen, HTX Nông nghiệp Duy Hòa II đã ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; phối hợp định kỳ kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất và phòng trừ sâu bệnh cho xã viên.

Theo đó, 6 hộ tham gia trồng sen trên diện tích 117.000m2, năng suất bình quân đạt 110kg/sào. Với giá bán 35 nghìn đồng/kg, mỗi sào cho thu nhập hơn 3,8 triệu đồng, cao gấp 2,2 - 2,5 lần so với một sào lúa.

Đây là động lực để nông dân gắn bó với đồng ruộng, góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 10 (thu nhập) và tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất) trong xây dựng nông thôn mới.

Đánh giá bước đầu về chương trình, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Võ Bảy cho biết, trong 2 năm 2019 - 2020, có 17 HTX được chọn tham gia xây dựng mô hình gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, chủ yếu là rau, củ, cây ăn quả, cây dược liệu, nấm, gia cầm.

Những HTX này từng bước thay đổi phương thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu có 7 HTX có doanh thu từ sản phẩm chuỗi giá trị hơn 16 tỷ đồng.

Qua theo dõi, họ đã tạo được mối liên hệ với doanh nghiệp lớn để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP, đăng ký thành công thương hiệu.

Cũng theo ông Võ Bảy, từ khi HTX tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, giá mua sản phẩm nguyên liệu đầu vào đối với thành viên tăng 20 - 30%. Đơn cử, đậu phụng ban đầu có giá bán ra 27 nghìn đồng/kg, sau khi HTX Nông nghiệp Đại Thắng (Đại Lộc) tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị đã tăng lên 41 nghìn đồng/kg.

Tại Đông Giang, chè dây tươi ban đầu là 10 nghìn đồng/kg, HTX Nông nghiệp xã Tư thu mua tăng lên 15 nghìn đồng/kg. Các HTX đã chủ động ký kết hợp đồng với thành viên, hộ gia đình về sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, mở rộng diện tích sản xuất, điển hình là HTX Nông nghiệp Điện Phước 1 (Điện Bàn), HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình (Tây Giang), HTX Sản xuất - chế biến và tiêu thụ Nấm Nhì Tây (Hiệp Đức), HTX Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình).

Từng bước nhân rộng

Thực tế cho thấy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân được xem là ưu việt nhất trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của một số HTX còn yếu, hiệu quả không cao, thiếu nhân lực chủ chốt; cán bộ quản lý chưa thật sự năng động, nhạy bén với thị trường.

Người sản xuất, thành viên và cán bộ quản lý HTX chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của liên kết, tiêu thụ sản phẩm, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước; tính cạnh tranh của sản phẩm không cao...

Từ thực trạng trên, theo ông Võ Bảy, thời gian đến sẽ tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, thành viên HTX và nhân dân hiểu rõ về mô hình HTX kiểu mới tham gia liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chú trọng nâng cao năng lực quản lý điều hành, các kỹ năng kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý để đáp ứng với cơ chế thị trường hiện tại; tăng cường nghiên cứu thực tế các mô hình kinh doanh hiệu quả để áp dụng vào thực tế. Hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phù hợp với nhu cầu, trình độ phát triển của HTX.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng thí điểm một số chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của HTX để từ đó nhân rộng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho HTX, kết nối giao thương với doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Sơ kết, đánh giá tình hình hằng năm nhằm tổng hợp các vướng mắc để kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành hướng dẫn tháo gỡ kịp thời...

CÔNG TÚ