Cánh đồng rau Bàu Tròn hư hại nặng nề sau mưa lũ
(QNO) - Đợt mưa lớn vừa qua khiến hàng chục héc ta rau màu ở cánh đồng Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) hư hại nặng nề. Nhiều hộ dân trồng rau của xã trắng tay, gặp khó trong quá trình tái sản xuất vụ mới.
Vợ chồng ông Phan Đình Hưng (44 tuổi, thôn Phú Phước, xã Đại An) ra đồng hái đậu, khổ qua tại cánh đồng Bàu Tròn để đem ra chợ bán. Ông Hưng cho biết, gia đình ông trồng rau ở cánh đồng này được hơn 10 năm. Tổng diện tích đất canh tác trồng rau màu của gia đình hơn 10 sào. Trong đó, ông được thôn cấp 1 sào đất/năm với diện tích gần 500m2; 9 sào đất còn lại ông thuê từ các hộ dân khác trong thôn với giá mức giá dao động 2 triệu/sào/năm để trồng rau màu quanh năm.
Cũng như mọi năm, tháng 9 dương lịch ông Hưng bắt đầu xuống giống trồng đậu cô ve, mướp, bắp, đu đủ... để kịp bán Tết Nguyên đán. Mấy năm trước, trời ít mưa lớn, rau màu phát triển tươi tốt, sai quả, giá cao nên đem lại thu nhập ổn định. Tháng 12 mới đây, mưa lớn kéo dài gây ngập úng, toàn bộ diện tích trồng rau màu của gia đình ông bị chết, sản lượng giảm hơn một nửa so với mọi năm.
“Tiếc lắm, gần tết rau màu tăng giá, như khổ qua 15 ngàn đồng/kg, mướp, đậu cô ve có giá dao động từ 8 - 10 ngàn đồng/kg, nhưng không có hàng để bán. Tôi đã đầu tư nhiều công sức, tiền bạc vào 10 sào rau này, với hi vọng tết đến thu hoạch bán kiếm ít đồng trang trải cho gia đình. Giờ hư hại hết rồi, không biết lấy tiền đâu để đầu tư lại vụ rau mới” – ông Hưng thở dài.
Tương tự, cách vườn rau của ông Hưng 500 mét, hơn 7 sào đất trồng khổ qua, mướp của hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp (thôn Phú Phước) cũng đang bị héo úa lá, trái rụng đầy gốc. Quanh bờ, bà Hiệp thu gom hàng chục ký trái khổ qua, đậu cô ve thối để mang đi tiêu hủy. Nếu vụ rau này không thiệt hại, bà thu hoạch được trên 15 triệu đồng.
Vụ rau này, gia đình bà Hiệp tốn hàng chục triệu đồng để mua phân hóa học, thuốc vi sinh, cây tre cắm chói, lưới, bạt phủ, cày xới, thuê đất… giờ coi như mất trắng.
“Chưa có năm nào như năm này, đến tháng 11 (âm lịch) rồi còn mưa lớn, mực nước dâng cao hơn 1 mét nên rau màu nhanh chết. Thường đến vụ này, thương lái đến tận ruộng để thu mua rau màu của người dân rất nhộn nhịp, còn đợt này không còn ai tìm tới nữa. Diện tích rau màu còn lại tại ruộng, tôi quyết định để vậy, thu hoạch được chừng nào hay chừng đó, chứ phá ra trồng lại thì lỡ dở” – bà Hiệp xót xa.
Theo nhiều người dân trồng rau ở xã Đại An cho biết, từ khi cánh đồng Bàu Tròn đưa vào làm rau sạch, người dân mạnh dạn thuê đất để trồng các loại cây ngắn ngày. Nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó dùng thuốc sinh học để phun cho rau màu nên được thương lái ưa chuộng, giá cả cũng ổn định.
Trong những năm gần đây, giá phân bón, hạt giống tăng cao gấp đôi, mưa lũ liên miên nên rau màu bị thiệt hại nặng nề; người dân không còn mặn mà với cây trồng này. Một số hộ dân khác thì trồng xen canh các loại cây ngắn ngày khác như đậu phụng, cải, ớt để giảm rủi ro. Cơn mưa vừa qua, làm cho nhiều hộ dân trồng rau ở Bàu Tròn thêm khốn đốn vì tiền đầu tư khá nhiều, họ lo lắng chưa có kinh phí để tái sản xuất vụ rau tháng Giêng.
Ông Nguyễn Thành Long - phó Chủ tịch UBND xã Đại An (Đại Lộc) cho biết, có trên 100 hộ chuyên trồng rau màu ở cánh đồng Bàu Tròn, với diện tích khoảng 36ha. Người dân trồng chủ yếu là mướp, đậu cô ve, đu đủ, khổ qua, đậu xanh, đậu phụng. Tuy nhiên đợt mưa vừa qua làm rau quả hư hỏng rất nhiều. “Hiện tại chính quyền xã đang thống kê rau màu bị thiệt hại để đề xuất huyện, tỉnh hỗ trợ cho người dân” – ông Long nói.