Khoanh vùng sản phẩm nông nghiệp chủ lực

TRẦN NGUYỄN 07/01/2022 11:12

Tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu, nông nghiệp Quảng Nam phải bắt nhịp với xu thế hội nhập. Tổ chức lại sản xuất sản phẩm chủ lực theo vùng và các lĩnh vực trọng yếu của ngành, là một lời giải.

Thu mua, chiến biến hạt cau khô ở Tiên Phước. Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Thu mua, chiến biến hạt cau khô ở Tiên Phước. Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Quảng Nam hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, sạch, theo chuỗi giá trị, mục đích cuối cùng là đem lại giá trị cao cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Miền núi định hướng phát triển rừng, cây dược liệu dưới tán rừng và lấy cây sâm Ngọc Linh dẫn dắt các cây dược liệu khác. Vùng trung du chủ yếu phát triển cây ăn quả. Đồng bằng làm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển trung tâm tôm giống chất lượng, hiện đại của khu vực.

Xây dựng sản phẩm độc đáo

Ngành nông nghiệp có 4 lĩnh vực trọng yếu gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Nông nghiệp rất có tiềm năng và lợi thế phát triển, song vẫn còn khiêm tốn trong đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh. Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, vì sao Quảng Nam phải lập danh mục sản phẩm chủ lực?

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho rằng, cái đích cuối cùng là tạo ra giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, quy mô lớn, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến thị trường xuất khẩu.

“Sản phẩm chủ lực phải thu hút được doanh nghiệp đầu tư, có tính độc đáo riêng của địa phương, được cấp chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa” – ông Tích lý giải.

Nâng cao chất lượng các vườn ươm và cây giống là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của phát triển trồng trọt. TRONG ẢNH: Vườn ươm cây giống của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang. Ảnh: HQ
Nâng cao chất lượng các vườn ươm và cây giống là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của phát triển trồng trọt. TRONG ẢNH: Vườn ươm cây giống của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang. Ảnh: HQ

Thời gian qua, Trung ương, tỉnh dù ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nhưng khi vận dụng vào thực tế thì gặp không ít rào cản do hỗ trợ dàn trải, không đủ hấp dẫn doanh nghiệp.

Bí thư Huyện ủy Đông Giang – ông Đỗ Tài cho rằng, nếu không có doanh nghiệp lên miền núi đầu tư, liên kết hợp tác sản xuất với nông hộ, thì còn lâu mới mơ chuyện hướng đến thị trường hàng hóa, xuất khẩu. Ý kiến của ông Tài cũng là trăn trở chung của các địa phương miền núi hiện nay.

“Cơ chế thì mình đặt ra, nhưng rồi trói buộc lại bằng các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp gây khó cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp ngại lên vùng cao làm ăn còn có nguyên nhân từ chi phí vận chuyển hàng hóa cao do đường sá xuống cấp, lại chậm được nâng cấp, mở rộng” – ông Tài nói.

Trong các loại cây ăn quả hiện nay, dù cây măng cụt trồng không nhiều tại các huyện Tiên Phước, Đông Giang, Hiệp Đức, Nông Sơn (chỉ khoảng 76ha), nhưng các địa phương vẫn đặt niềm tin, tương lai sẽ cho giá trị kinh tế cao bởi ưu thế của loại cây trồng này là chống chịu được gió bão, cho năng suất cao, lại trái mùa với miền Nam, có triển vọng xuất khẩu.

Tổ chức lại vùng sản xuất

Các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, kể cả vùng trung du Tiên Phước, Núi Thành... bắt đầu chú trọng năng suất trên đơn vị diện tích canh tác, giảm giá thành nông sản, điều chỉnh cơ cấu theo lợi thế tiểu vùng sinh thái, chú trọng giống mới (cây, con vật nuôi), áp dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Theo Sở NN&PTNT, định hướng quy hoạch của tỉnh phân chia rõ nét 2 vùng. Vùng trung du và miền núi, quy hoạch 1.000ha cây hồ tiêu tại các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Thăng Bình, Hiệp Đức và Duy Xuyên. Khoanh vùng 15.000ha cây dược liệu các loại bao gồm sâm Ngọc Linh, sa nhân, ba kích, đảng sâm, quế Trà My và một số cây dược liệu khác có liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Cạnh đó, ở các huyện miền núi, trung du định hướng tỷ lệ chăn nuôi bò tập trung đạt khoảng 25% trong tổng đàn bò. Còn đồng bằng và ven biển sẽ hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất cây thực phẩm (rau, đậu, củ, quả…) diện tích 18.000ha/năm; trong đó đậu các loại 6.000ha, tập trung ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mỗi địa phương xây dựng ít nhất một khu phức hợp sản xuất chế biến, nông, lâm, thủy sản. Hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại khu vực các huyện đồng bằng, phát triển các trang trại chăn nuôi bò, heo, gà. Xây dựng các chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích, tích tụ ruộng đất là một trong những giải pháp rất quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, các địa phương cần tạo cơ chế thuận lợi cho hợp tác xã thuê lại đất của hộ nông dân với thời hạn thuê từ 10 năm trở lên/chu kỳ; doanh nghiệp thuê lại đất từ 20 năm trở lên/chu kỳ, tùy thuộc chu kỳ kinh tế loại cây trồng.

Mỗi xã tích tụ ít nhất 3 vùng, quy mô mỗi vùng từ 20ha trở lên đối với vùng đồng bằng, từ 30ha trở lên đối với vùng miền núi phục vụ cho chăn nuôi, trồng rừng, cây dược liệu.

Khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất cho thuê, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất nhằm tập trung ruộng đất, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

TRẦN NGUYỄN