Nhà nông học nghề nông

MAI NHI - ANH ĐÔNG 29/12/2021 05:44

Công tác đào tạo nghề nông nghiệp được chú trọng giúp nông dân huyện Hiệp Đức ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản.

Nhờ được chuyển giao kỹ thuật sản xuất, những năm qua trên địa bàn huyện Hiệp Đức xuất hiện nhiều mô hình trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: ĐÔNG NHI
Nhờ được chuyển giao kỹ thuật sản xuất, những năm qua trên địa bàn huyện Hiệp Đức xuất hiện nhiều mô hình trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: ĐÔNG NHI

Nhận định được lợi thế về đất đai, khí hậu và tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi, những năm gần đây nông dân xã Bình Lâm đầu tư phát triển mạnh mô hình chuyên canh cây ăn quả, nuôi bò lai vỗ béo theo phương thức thâm canh.

Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lâm cho hay, để giúp nhà nông nâng cao hiệu quả sản xuất, hằng năm chính quyền xã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện và một số đơn vị liên quan của tỉnh mở 2 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 50 - 60 lao động nông thôn.

Sau khi được đào tạo nghề, nông dân ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực kinh tế vườn, chăn nuôi bò thâm canh. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 100 khu vườn chuyên canh các loại cây ăn quả và ít nhất 30 gia trại nuôi vỗ béo giống bò ngoại 3B với số lượng từ 5 con trở lên. Hằng năm, mỗi mô hình cho thu nhập 80 - 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, những năm qua huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò của công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.

Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT chủ trì phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Huyện đoàn và chính quyền các xã, thị trấn khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn.

Trên cơ sở đó, xác lập cụ thể kế hoạch đào tạo và phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh xây dựng bài bản giáo trình giảng dạy ngành nghề người dân cần, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, Hiệp Đức đã chi hơn 830 triệu đồng thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 723 lượt nông dân trên địa bàn tham gia. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là kỹ thuật trồng rau sạch, trồng nấm thương phẩm, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, thâm canh lúa năng suất cao...

Trong số lao động nông thôn được đào tạo nghề nêu trên, có khoảng 50% thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất canh tác, người khuyết tật, người đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Hiệp Đức, hầu hết nông dân sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề đã biết vận dụng kiến thức vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cây trồng - con vật nuôi và giá trị sản phẩm.

Nhờ kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống người dân nâng cao nên năm 2021 toàn huyện có thêm 161 hộ thoát nghèo; hiện tỷ lệ hộ nghèo của Hiệp Đức còn 7,39%, giảm 1,44% so với năm 2020.

MAI NHI - ANH ĐÔNG