Đông Giang khai phá tiềm năng nông - lâm nghiệp

CÔNG TÚ 23/12/2021 06:21

Huyện Đông Giang những năm qua nỗ lực khai phá tiềm năng phát triển nông - lâm nghiệp, song vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn để nâng cao giá trị sản phẩm, xóa đói giảm nghèo.

Mô hình trồng chè dây Ra zéh ở xã Tư mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: C.T
Mô hình trồng chè dây Ra zéh ở xã Tư mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: C.T

Vùng sản xuất đặc trưng

Đông Giang đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung với hơn 16.600ha cây keo nguyên liệu (gần 2.000ha rừng gỗ lớn), cùng với đó là 750ha chuối, gần 800ha mây dưới tán rừng và hàng chục héc ta chè dây Ra zéh, ớt A riêu. Huyện còn ưu tiên cải tạo cây lòn bon bản địa cho năng suất, chất lượng cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho biết, địa phương đã hoàn thành quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ FSC cho 10.000ha; quy hoạch phát triển dược liệu hơn 7.000ha và đang trồng khảo nghiệm hàng chục héc ta dưới tán rừng.

Tại xã Ba và xã Tư, khu chăn nuôi heo thịt tập trung an toàn dịch bệnh với quy mô xuất chuồng trên 30 nghìn con/năm; chăn nuôi heo đen địa phương, nuôi đàn bò theo hình thức gia trại đem lại kinh tế cao được khuyến khích phát triển.

Theo thống kê, Đông Giang có hơn 3.000 vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng. Theo ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang, người dân sở hữu vườn đồi, vườn rừng có diện tích lớn hiện nay đã chuyển sang trồng keo là chính. Những vườn còn lại đang sản xuất (1.560 vườn) chủ yếu là trồng cam, chuối, đu đủ, lòn bon hay tre điền trúc lấy măng cho thu nhập bình quân từ 15 - 60 triệu đồng/vườn/năm.

Tại các xã Ba, Tư, Jơ Ngây hoặc thị trấn Prao, người dân cải tạo vườn để trồng bưởi da xanh, sầu riêng, mít, măng cụt… Năm 2021, 6 mô hình khuyến nông về trồng mít cao sản, nuôi cá diêu hồng lồng bè, nuôi vịt xiêm sinh sản, gà thả vườn, trồng rừng bằng giống keo tai tượng Úc, trồng cây măng cụt được áp dụng tại các xã. Ngoài chăm sóc 4ha vườn giống trồng cây ba kích tím tại thôn A Duông (thị trấn Prao), phương án triển khai trồng thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh cũng đã xây dựng.

Đáng chú ý, Đông Giang chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào trồng, chế biến để đưa sản vật bản địa thành sản phẩm hàng hóa đã góp phần giải quyết lao động, nâng thu nhập cho người dân. Đơn cử ở xã Tư, việc áp dụng nhân giống bằng biện pháp giâm hom cây chè dây Ra zéh đã tạo nên vùng nguyên liệu tập trung có quy mô, chế biến ra nhiều sản phẩm từ loại dược liệu quý này.

Nhờ trồng chè dây Ra zéh, mỗi năm có hộ gia đình ở xã Tư thu về hàng trăm triệu đồng. Sau nỗ lực mời gọi đầu tư của Đông Giang, Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Bà Nà đến tìm hiểu xúc tiến xây dựng dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, dự kiến triển khai trồng rau sạch, chuối xuất khẩu trên diện tích hơn 199ha ở xã Ba.

Nỗ lực vượt khó

Ông Lê Vương - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang chia sẻ, địa phương có đất đai rộng nhưng đất sản xuất phân tán, địa hình không bằng phẳng nên muốn kêu gọi đầu tư cũng không đơn giản vì khó tìm ra diện tích đủ rộng, liên cư liên địa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Hệ thống hạ tầng còn yếu, chắp vá, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng phát triển đang là điểm nghẽn lớn cho kêu gọi đầu tư. Chưa hết, việc sản xuất ở địa phương còn manh mún, năng suất thấp, không có mũi nhọn sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường.

Nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu, còn nguồn lực trong dân thì hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, tư duy dựa dẫm, trông chờ... Cùng với đó, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường chắc chắn là thách thức lớn cho huyện.

Ông Hồ Quang Minh cho biết, Đông Giang sẽ nỗ lực huy động nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng giao thông tạo lan tỏa cho phát triển. Khai phá thế mạnh lâm nghiệp, huyện sẽ chuyển dần diện tích rừng trồng sang trồng rừng gỗ lớn, cung cấp cho công nghiệp chế biến đồ gỗ. Phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích rừng trồng đạt 17.500ha (6.000ha rừng gỗ lớn).

Nhân rộng các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như chè xanh, chè dây, ớt A riêu, chuối, lòn bon, cây ăn quả và các loài cây dược liệu. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; triển khai chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Chăn nuôi sẽ chuyển sang nuôi tập trung trang trại, gia trại bằng giống heo, gà bản địa để tăng giá trị. Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh quảng bá, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng với TP.Đà Nẵng và các huyện lân cận bằng các loại nông sản đặc trưng của huyện. UBND huyện cũng đang xúc tiến xây dựng Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2022 - 2025 và sẽ trình HĐND huyện xem xét, quyết nghị để có cơ sở thực hiện trong tương lai gần.

CÔNG TÚ