Động lực tạo chuyển biến cho tam nông

VIỆT NGUYỄN 22/12/2021 06:07

Tam nông có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống ngân hàng luôn chú trọng đầu tư tín dụng tam nông là nội dung chính xung quanh buổi làm việc trực tuyến ngày 21.12 của Tỉnh ủy Quảng Nam với Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng nông nghiệp đã góp phần đêm lại những mùa vàng bội thu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng nông nghiệp đã góp phần đêm lại những mùa vàng bội thu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ở điểm cầu Trung ương, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì. Ở điểm cầu Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường chủ trì.

Đòn bẩy phát triển

Kinh tế nông nghiệp liên tục phát triển khá, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,5%/năm là thành tựu quan trọng của Quảng Nam trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh, toàn tỉnh hình thành 140 cánh đồng mẫu lớn, 58% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng.

Ưu tiên cho nông nghiệp thông minh

Để tạo chuyển biến sâu rộng cho tam nông, các ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc phát sinh. Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị; giảm bớt khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ. Trước áp lực của biến đổi khí hậu, thiên tai, cần ưu tiên cho nông nghiệp thông minh để hạn chế rủi ro, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng”.

(Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường)

Tuy vậy, điểm nghẽn là các sản phẩm nông nghiệp thiếu cạnh tranh; khó tích tụ, tập trung ruộng đất; chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp mỏng; doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào sản xuất nông nghiệp; hạ tầng nông nghiệp, khu vực nông thôn còn hạn chế.

“Tiếp tục tạo chuyển biến về tam nông, ngành nông nghiệp ra sức thúc đẩy sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tập trung tái cơ cấu, tạo đột phá thu hút đầu tư của doanh nghiệp, đầu tư lớn cho các sản phẩm đặc sản, tạo thêm nguồn lực phát triển OCOP, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức lại sản xuất, nhất là khu vực miền núi” - ông Phạm Viết Tích nói.

 Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, với các nguồn vốn gồm 122 tỷ đồng của Quỹ hỗ trợ nông dân, 787 tỷ đồng của Agribank Quảng Nam, 1.768 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Quảng Nam, 70 tỷ đồng của LienVietPostBank Quảng Nam đã tạo động lực lớn cho tam nông. Tuy vậy, người nông dân khó tiếp cận Nghị định 55 về tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn để phát triển kinh tế.

Để tạo cú hích trong thời gian đến, ông Nguyễn Út đề xuất các ngân hàng ủy thác vốn nhiều hơn nữa để Hội Nông dân tỉnh đưa vốn vào tam nông. Trong điều kiện giá thức ăn, vật tư nông nghiệp tăng quá cao, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ nông dân như trả góp, trả chậm khi vay vốn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có chuyển biến nhưng nhu cầu còn lớn nên các ngành chức năng của Trung ương cần quan tâm hỗ trợ.

Đẩy vốn vào tam nông

Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng qua các năm. Đến nay, tổng dư nợ hơn 23 nghìn tỷ đồng (27,53% tổng dư nợ cho vay, tăng 811,18% so với năm 2010); trong đó dư nợ của Agribank Quảng Nam chiếm hơn 47% dư nợ cho vay.

 

Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 27,53%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân chung là 17,96%. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam đã cho vay xây dựng NTM 204 xã.

Đến nay, tổng vốn tín dụng đầu tư xây dựng NTM đạt 65.481 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt hơn 17.478 tỷ đồng (gấp 981,9 lần so với cuối năm 2010, chiếm 20,86% dư nợ cho vay toàn địa bàn, 196.976 khách hàng còn dư nợ).

Quảng Nam đặt ra nhiều mục tiêu về tam nông: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 3%/năm; hằng năm giải quyết thêm 16.000 - 17.000 lao động nông thôn; phấn đấu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, đến năm 2030 có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020 và đến năm 2030 tăng gấp 2 lần năm 2020; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87% và đến năm 2030, còn 1% theo chuẩn nghèo mới.

Theo ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam, đơn vị đã và đang triển khai 19 chương trình tín dụng ưu đãi về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong giai đoạn 2008 - 2021, tổng doanh số cho vay đạt 11.394 tỷ đồng với 610.596 lượt hộ được vay vốn.

Tổng dư nợ đạt 5.545 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 335 tỷ đồng với 131.938 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Tín dụng chính sách đáp ứng cơ bản nhu cầu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với gần 44% tổng dư nợ, một số chương trình tín dụng chính sách khác đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại Quảng Nam.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, tam nông luôn là lĩnh vực được ngành ngân hàng quan tâm, chú trọng đầu tư vốn tín dụng. Tín dụng và dịch vụ ngân hàng sẽ tiếp tục là giải pháp và là nguồn lực quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về tam nông.

Ông Đào Minh Tú yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cần nắm bắt kịp thời các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là tam nông để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, đáp ứng nhu cầu phát triển.

VIỆT NGUYỄN