Giảm nghèo nhờ cây dược liệu

PHÚ THIỆN 17/12/2021 07:28

Với hơn 300 loài cây dược liệu khác nhau ở các vùng rừng núi trên địa bàn, huyện Nam Trà My đã và đang có nhiều giải pháp bảo tồn và hướng đến phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân.

Vườn đảng sâm đến mùa thu hoạch ở Nam Trà My. Ảnh: P.T
Vườn đảng sâm đến mùa thu hoạch ở Nam Trà My. Ảnh: P.T

Cơ chế phù hợp

Với diện tích 2,5ha, vườn ươm tại thôn 3, xã Trà Nam hiện là nơi cung cấp nguồn giống cây dược liệu cho toàn huyện Nam Trà My với gần 1,5 triệu cây giống mỗi năm.

Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, vườn ươm Trà Nam được nâng cấp, mở rộng qua từng năm, hệ thống trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ giống cây dược liệu tại địa phương.

“Những cây giống được cung cấp tại đây được chăm sóc, kiểm tra và chọn lọc bài bản, mục đích chính là bảo tồn gen và nâng cao chất lượng các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện. Hằng năm, chúng tôi gieo ươm cung cấp nhu cầu cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp khoảng từ 1,5-2 triệu cây, trong đó khoảng 1 triệu cây quế, còn lại là các loại cây dược liệu khác” - ông Quý nói.

Từ năm 2016, huyện Nam Trà My triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương. Đề án dựa trên hình thức Nhà nước và người dân cùng làm; trong đó, huyện hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để phát triển các loại cây dược liệu theo quy mô sản xuất hàng hóa; tổ chức đào tạo đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm các loại cây dược liệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, nhân dân ở cả 10 xã trên địa bàn đã tổ chức trồng cây dược liệu dưới tán rừng, với các loài cây chính như đảng sâm, đương quy, lan gấm, đinh lăng, sơn tra, giảo cổ lam, sa nhân…; cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, bước đầu mang lại thu nhập.

“Qua kiểm tra, đánh giá tình hình cây dược liệu, cho thấy cây đảng sâm, sa nhân có tỷ lệ sống dao động 85-90%, tỷ lệ sống cao nhất tại các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang. Dựa vào cây dược liệu, nhiều gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá” - ông Hải thông tin.

Hiệu quả thiết thực

Ở Nam Trà My, xã Trà Linh là địa phương khá thành công về phát triển và làm giàu từ cây dược liệu. Ông Hồ Văn Linh - Trưởng thôn 1 cho biết, ngoài tập trung đầu tư cho sâm Ngọc Linh, người dân trong thôn trồng thêm các loại cây dược liệu, nhất là đảng sâm, để kiếm thu nhập theo hình thức lấy ngắn nuôi dài.

“Thời gian đầu, người dân chủ yếu trồng phân tán, mấy năm gần đây giá đảng sâm ổn định hơn, người thu mua liên hệ nhiều nên bắt đầu trồng tập trung. Hiện thôn có hơn 40 hộ dân trồng cây đảng sâm quy mô lớn, mang lại thu nhập cao, tiêu biểu như hộ Hồ Văn Lợi, Hồ Văn Vườn…” - ông Linh chia sẻ.

Như gia đình ông Hồ Văn Ngân, ngoài sâm Ngọc Linh còn trồng khoảng 1,5ha đảng sâm, đương quy và sa nhân tím trên các khu vực trước đây trồng lúa rẫy, mỗi năm bán được hơn 100kg đảng sâm tươi. “Thời gian cuối năm thương lái lên rất nhiều, tôi phải thuê thêm người thu hoạch để kịp bán, mỗi ký đảng sâm bán với giá 150-250 nghìn đồng” - ông Ngân cho hay.

Theo ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, sau thời gian trồng cây dược liệu theo đề án của huyện, diện tích dược liệu trên địa bàn xã tăng lên đáng kể, đến nay cây đảng sâm đã cho thu hoạch.

“Cây dược liệu nói chung và đảng sâm nói riêng thường được mua quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là những tháng trước tết. Thu nhập bình quân của các hộ từ loài cây này khoảng 20-30 triệu đồng/năm; có những vùng người dân chăm sóc tốt và tự nhân rộng để trồng có nguồn thu đến 50-70 triệu đồng/năm” - ông Dang nói.

Để ổn định đầu ra cho các sản phẩm dược liệu của người dân, huyện Nam Trà My đã tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi. Qua đó, tạo điều kiện để người dân tiêu thụ, bình quân mỗi phiên chợ có khoảng 500kg sản phẩm dược liệu các loại như: đảng sâm tươi, giảo cổ lam, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, chè dây…

“Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức thu mua sản phẩm thô của người dân, sau đó sơ chế, chế biến, đóng gói cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm bình quân người dân bán ra thị trường khoảng 5-6 tấn dược liệu các loại” - ông Trịnh Minh Hải thông tin.

PHÚ THIỆN