Lão nông làm giàu trên đất cằn

T.NHAN - PH.LY 17/12/2021 07:26

Từ vùng đất cằn cỗi ở thôn Xuân Quê (xã Quế Long, huyện Quế Sơn), lão nông Phan Văn Huệ đã mạnh dạn cải tạo đất, trồng 2.000 choái tiêu trên tổng diện tích 1ha; đồng thời phát triển mô hình trồng cây ăn quả trên tổng diện tích 2ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng hồ tiêu và vườn cây ăn quả lên tới 3ha của lão nông Phan Văn Huệ. Ảnh: TR.NHAN
Mô hình trồng hồ tiêu và vườn cây ăn quả lên tới 3ha của lão nông Phan Văn Huệ. Ảnh: TR.NHAN

Quyết chí làm giàu

Nhiều năm trước, từ vùng đất gò đồi bạc màu chuyên trồng cây keo lá tràm, ông Phan Văn Huệ đã mạnh dạn cải tạo đất trồng sắn, điều, dưa hấu, rồi trồng mía nhưng đầu ra của các loại cây này đều bấp bênh. Năm 2016, ông Huệ chuyển hướng sang trồng tiêu kết hợp với mô hình trồng cây ăn quả gồm bưởi, mít, ổi Đài Loan, măng cụt, sầu riêng…

Ông Huệ còn chọn giống tiêu Vĩnh Linh để trồng trên đất gò đồi bạc màu Quế Long. Tiêu Vĩnh Linh có giá dao động trên thị trường 150 - 200 nghìn đồng/kg, thời điểm dịch Covid-19 được thương lái thu mua với giá 120 - 130 nghìn đồng/kg. Hiện vườn tiêu của ông Huệ lên đến 2.000 choái phủ xanh cả một góc đồi.

Ông Huệ kể, thời trẻ, ông từng làm một chủ thầu xây dựng, nhận công trình ở nhiều nơi, hỏi được nhiều kinh nghiệm trồng trọt. Đến tuổi ngũ tuần, về quê hương, ông lại cháy bỏng niềm đam mê làm nông nghiệp và không ngại khó, ngại khổ, thuê xe cơ giới cải tạo đất, san phẳng đồi gò, bón phân vi sinh cải tạo đất, trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng trên đất cằn, bạc màu.

“Tôi đã trải qua 5 lần thất bại mới có được ngày nay. Nhiều lần thất bại nên trước đây mọi người thường hay nói: Ông Huệ mà trồng tiêu thì mình phải chuyển sang trồng điều, ổng trồng sắn là mình phải trồng mía, chứ học theo ổng trồng là tiêu”.

Ngoài ra, ông Huệ còn đầu tư trồng thêm 2ha các loại cây ăn quả như: 400 gốc ổi, 100 cây sầu riêng, 150 cây mãng cầu, 200 cây bưởi, 50 cây mít, 50 cây chanh, 50 cây vú sữa, quýt...

Riêng vườn ổi chỉ 6 tháng đã ra quả, đến nay cho thu nhập ổn định. Vườn bưởi qua 3 năm đã cho quả bói đầu tiên. Ước tính, chỉ riêng vườn ổi, mỗi tháng giúp ông thu về 6 - 7 triệu đồng. Đối với vườn tiêu, mỗi năm sau khi trừ chi phí đem lại nguồn thu khoảng 300 - 400 triệu đồng.

Hồ tiêu Quế Sơn

Dẫn chúng tôi đi thăm rẫy tiêu xanh bạt ngàn, ông Huệ cho biết, bình quân mỗi choái tiêu cho tầm 4 - 5kg hạt mỗi năm. Nhờ chú trọng cải tạo đất bằng phân vi sinh nên rẫy tiêu luôn tươi tốt.

Ông Huệ cũng xây dựng hệ thống tưới tự động cho toàn bộ khu vườn. Ông còn học hỏi kỹ thuật sản xuất phân bón vi sinh từ phân bò, phế phẩm nông nghiệp, trùn quế để cải tạo đất, bón cho cây tiêu, tạo độ phì cho đất; tận dụng khoảng trống khi các hàng tiêu chưa phủ bóng để xen canh rau cải, mướp, khổ qua cải thiện đời sống.

Gần đây, ông Huệ thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hồ tiêu Quế Sơn, nhằm tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên thị trường. Sản phẩm “Tiêu Quế Sơn” của HTX đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia để được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào năm 2022.

Dù tuổi cao nhưng ông Huệ nỗ lực tham gia các khóa tập huấn sản xuất nông sản sạch do Sở NN&PTNT tổ chức và các lớp huấn luyện bán hàng chuyên sâu do Liên minh HTX Quảng Nam tổ chức để nâng cao kỹ thuật sản xuất và kinh doanh, đưa HTX phát triển. Năm 2019, sản phẩm tiêu của ông Huệ được công nhận sản phẩm tiêu biểu tại Hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn huyện Quế Sơn.

Tháng 10.2021, vườn tiêu và cây ăn quả của ông Huệ đã đạt giải ba cuộc thi “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” cấp tỉnh với nội dung vườn đẹp. Thời gian tới, ông Huệ dự kiến mở rộng thêm 1ha trồng hồ tiêu và cây ăn quả, phối hợp với xã viên có đất sản xuất tạo chuỗi liên kết giá trị, góp phần tạo điều kiện để HTX phát triển ổn định. Ông Phan Văn Huệ nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, cấp huyện.

T.NHAN - PH.LY