Nỗ lực bảo vệ đàn vật nuôi

NGUYỄN VĂN BÌNH 16/12/2021 07:18

Nhiều loại dịch bệnh xuất hiện và tái bùng phát khiến người chăn nuôi ở huyện Bắc Trà My bị thiệt hại nặng. Chính quyền địa phương đang nỗ lực bảo vệ, vực dậy đàn vật nuôi.

Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho bò tại xã Trà Dương. Ảnh: VĂN BÌNH
Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho bò tại xã Trà Dương. Ảnh: VĂN BÌNH

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát 3 đợt, làm 20 hộ chăn nuôi có heo bị mắc bệnh và phải tiêu hủy 395 con với trọng lượng gần 13,9 tấn hơi.

Thiệt hại nặng hơn cho nông hộ khi trong số này có đến 66 heo nái và 13 heo đực giống cao sản. Còn trên đàn trâu, bò, trong tháng 5.2021, dịch viêm da nổi cục xuất hiện tại thôn Ba Hương (xã Trà Đông), sau đó lây lan nhanh ra toàn huyện. Số trâu bò mắc bệnh lên đến 407 con, trong đó có 68 con mắc bệnh chết phải tiêu hủy, trọng lượng gần 8,5 tấn.

Nhiều hộ chăn nuôi “trắng tay” vì vật nuôi của họ bị đồng thời bị 2 loại dịch bệnh nêu trên và chết, phải tiêu hủy hàng loạt. Ông Trần Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho hay, cuối tháng 5, cả đàn bò hàng chục con của gia đình ông đều mắc bệnh viêm da nổi cục, có một con gần 300kg mắc bệnh chết, phải tiêu hủy.

Tiếp đó, đến tháng 7, đàn heo 79 con, gần 1,1 tấn heo hơi của gia đình ông lại phát bệnh tả lợn châu Phi và phải tiêu hủy toàn bộ. Dịch chồng dịch gây thiệt hại cho gia đình ông Trung hơn 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My nói: “Nhiều gia đình ở Bắc Trà My có người thân đi làm ăn xa, nhất là thanh niên đi làm ở các thành phố lớn đều quay về quê tránh dịch Covid-19, sinh sống với gia đình, đầu tư mở rộng chăn nuôi để cải thiện thu nhập. Nhưng dịch bệnh trong chăn nuôi liên tục xuất hiện, tái bùng phát, dịch chồng dịch khiến cho nhiều hộ dân vốn đã gặp khó lại khốn khó hơn”.

Theo ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, để bảo vệ và dần vực dậy đàn vật nuôi trước tình hình dịch bệnh bủa vây, huyện chỉ đạo và hỗ trợ ngành thú y đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn gia súc.

Cùng với các nguồn vắc xin, dụng cụ thú y từ ngành dọc và nguồn kinh phí huyện bố trí theo kế hoạch năm, UBND huyện còn cấp bổ sung khoảng 500 triệu đồng cho Trạm kỹ thuật nông nghiệp huyện để triển khai tiêm vắc xin viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, tạo điều kiện cho người chăn nuôi phòng chống dịch, bảo vệ đàn vật nuôi.

Ông Lê Minh Hải - Phó Giám đốc Trạm kỹ thuật nông nghiệp huyện Bắc Trà My cho hay, tính đến cuối tháng 11.2021, toàn huyện thực hiện tiêm phòng hơn 45.000 liều vắc xin các loại cho đàn vật nuôi.

Và để làm tốt công tác phòng ngừa, chữa trị vật nuôi, không để người chăn nuôi bị thiệt hại nặng do bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, Trạm kỹ thuật nông nghiệp huyện chủ động liên hệ, tham khảo kinh nghiệm điều trị bệnh từ đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là tại một số tỉnh ở phía Bắc, có gia súc mắc bệnh nhiều.

Sau đó trạm ban hành phác đồ điều trị, chuyển cho cán bộ thú y cơ sở, cử cán bộ kỹ thuật bám sát vùng dịch, hướng dẫn điều trị, tổ chức vệ sinh, tiêu độc; đồng thời vận động người chăn nuôi chăm sóc, tăng cường bổ sung các vitamin, khoáng chất, thuốc hạ nhiệt… cho trâu, bò mắc bệnh.

Thời gian qua, ngành chuyên môn đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân điều trị khỏi bệnh 339/407 con trâu, bò mắc bệnh, giảm thiểu số trâu, bò bị bệnh chết phải tiêu hủy. Số trâu, bò được điều trị khỏi bệnh trị giá hàng tỷ đồng; hiện đều trở lại khỏe mạnh, một số sinh sản bình thường.

“Nhờ triển khai quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch trong chăn nuôi nên tổng đàn vật nuôi tại huyện Bắc Trà My được bảo vệ khá tốt và duy trì số lượng tương đương với năm 2020. Riêng đàn bò, hiện có gần 9.650 con, tăng so với năm 2020 là 974 con” - ông Hải nói.

NGUYỄN VĂN BÌNH