Tiếp sức nông dân Phú Ninh vươn lên làm giàu
(QNO) - Thông qua nguồn vốn từ nhiều kênh, Hội Nông dân huyện Phú Ninh hỗ trợ hội viên xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Trung ở thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân là người tiên phong cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả. Là nông dân nhưng ông khá nhạy bén trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, trồng những loại cây ăn quả cho thu nhập cao.
Khu vườn của ông Trung rộng hơn 1ha với nhiều cây trồng chủ lực như ổi, chuối lùn, chuối mốc, sầu riêng và đặc biệt ông là người trồng thí điểm cây măng cụt. Lấy ngắn nuôi dài, mô hình của ông được Hội Nông dân huyện Phú Ninh đánh giá là mô hình mẫu tại địa phương.
“Trước đây tôi trồng keo lá tràm nhưng hiệu quả không cao nên chuyển sang trồng cây ăn quả. Ban đầu trồng sầu riêng nhưng không phù hợp thổ nhưỡng nên đầu tư trồng măng cụt và xen kẽ cây ngắn ngày như chuối, ổi cho hiệu quả kinh tế cao” - ông Trung chia sẻ.
Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng và vật nuôi theo hướng hàng hóa, nhiều nông dân cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò 3B, điển hình như trang trại bò của hộ ông Nguyễn Xuân Tin ở thôn Hòa Bình (xã Tam Thái). Hiện đàn bò của ông phát triển nhanh gấp nhiều lần bò cỏ truyền thống, bình quân mỗi con nuôi vỗ béo khi xuất bán cho lãi ròng 10 - 15 triệu đồng.
Trước đó ông Tin được Hội Nông dân huyện hỗ trợ để vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân nhằm đầu tư chăn nuôi một cách bài bản, đạt hiệu quả kinh tế. Ông mong muốn thời gian tới Hội Nông dân huyện tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về vốn vay ông để mở rộng mô hình.
Cũng tại xã Tam Thái, mô hình nuôi thỏ của chị Nguyễn Thị Bích Liên ở thôn Trường Mỹ duy trì ổn định. Chị Liên cho biết, nhờ các nguồn vốn ủy thác của hội đã giúp nhiều hộ nông dân phấn đấu vươn lên làm giàu giữa lúc khó khăn do đại dịch Covid-19. “Tôi được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt giải ngân 100 triệu đồng để mua thức ăn và làm chuồng trại, nhờ đó việc nuôi thỏ ổn định” - chị Liên nói.
Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh cho biết, nguồn vốn các kênh như Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, liên kết với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã trở thành bệ đỡ để nông dân phát triển sản xuất. Riêng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hiện nâng lên gần 5 tỷ đồng.
“Đầu năm đến nay, hội phối hợp mở 22 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp. Xây dựng mới 3 điểm cung ứng giống cây ăn quả tại xã Tam Phước, Tam Lộc và Tam Thái; vận động hội viên trồng thí điểm 3 vườn cây măng cụt, xây dựng 2 trang trại trồng cây ăn quả. Từ đó tạo thêm động lực cho bà con vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương” - ông Anh nói.