Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở Nông Sơn: Tạo việc làm, tăng thu nhập
Đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là cách huyện Nông Sơn đã và sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện nhằm góp phần giải quyết bài toán việc làm, giúp người dân ứng dụng hiệu quả các gói kỹ thuật tiên tiến vào quá trình phát triển sản xuất để tăng năng suất, giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp.
Hiệu quả kinh tế
Trước đây, khu vườn rộng hơn 5.000m2 của gia đình ông Phùng Văn Lạc ở thôn Tân Phong (xã Quế Lộc, Nông Sơn) chủ yếu là các loại cây tạp nên hiệu quả kinh tế rất thấp.
Sau khi được ngành nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật trồng - chăm sóc - phòng trừ dịch hại tổng hợp cho cây ăn quả, năm 2017 ông Lạc mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp và đặt mua 150 cây bưởi da xanh, xoài, ổi, hồ tiêu, sầu riêng, cốc, vải thiều về trồng. Ông Lạc trồng thêm 100 cây chuối và một diện tích lớn cây sả để lấy ngắn nuôi dài.
“Những năm qua, bình quân hằng năm tôi có thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng từ 5 loại cây chuối, sả, ổi, xoài, cốc. Năm nay, vườn bưởi da xanh đã cho lứa quả đầu tiên. Còn hồ tiêu, sầu riêng, vải thiều cũng sắp cho thu hoạch” - ông Lạc chia sẻ.
Ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho hay, những năm qua, nhờ được chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến nên người dân địa phương tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế vườn, trong đó phần lớn là chuyên canh các loại cây ăn quả. Trên địa bàn huyện hiện có 2.825 khu vườn cho giá trị kinh tế 40 - 350 triệu đồng/năm/mô hình.
Ngoài ra, từ năm 2016 - 2020, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh mở 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 482 lao động nông thôn trên địa bàn 6 xã của huyện.
Tổng kinh phí thực hiện công tác này là hơn 500 triệu đồng. Nội dung đào tạo của các lớp dạy nghề nêu trên phần lớn là chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn và trồng hồ tiêu, cách nuôi - nhận biết - điều trị bệnh cho trâu bò và gà, nuôi bò vỗ béo, nhân giống cây ăn quả...
Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, hằng năm đơn vị cùng chính quyền các địa phương rà soát nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn. Từ đó, kịp thời bổ sung danh mục ngành nghề và thiết lập bài bản kế hoạch đào tạo.
“Trong quá trình đào tạo, huyện lập các tổ giám sát để theo dõi chặt chẽ tình hình giảng dạy và việc tiếp thu của học viên. Nhờ đó hầu hết học viên sau khi hoàn thành khóa học biết vận dụng kiến thức vào quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao” - ông Thắng nói.
Nâng chất lượng đào tạo
Theo đánh giá của UBND huyện Nông Sơn, mặc dù đạt nhiều thành quả quan trọng nhưng thời gian qua công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở địa phương vẫn còn bộc lộ hạn chế. Trong đó, phần lớn các lớp đào tạo nghề nông nghiệp ở địa phương chưa gắn kết với những doanh nghiệp và hợp tác xã để xúc tiến việc liên kết sản xuất theo phương thức bao tiêu sản phẩm nên không thu hút được người học.
Tại một số nơi vẫn còn tình trạng người dân học nghề theo phong trào, học nghề xong không tham gia sản xuất nông nghiệp mà chuyển sang làm các ngành nghề khác. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, sau khi được đào tạo các nghề nông nghiệp, nhiều lao động nông thôn khó tiếp cận kênh vốn vay ưu đãi nên không có điều kiện đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô vừa và lớn.
Ông Trần Thiện Thắng chia sẻ, Nông Sơn có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển nông - lâm nghiệp, nhất là kinh tế vườn - kinh tế trang trại. Do vậy, nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong thời gian tới là khá cao. Dự tính, từ nay đến năm 2025, bình quân hằng năm Nông Sơn đào tạo nghề nông nghiệp cho 150 - 200 lao động nông thôn và nguồn kinh phí phải chi cho công tác này khoảng 200 triệu đồng/năm.
Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp, trước hết huyện sẽ tập huấn cho lực lượng điều tra viên (chủ yếu là cán bộ thôn) để tăng chất lượng điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Từ đó, dự báo chính xác nhu cầu học nghề của từng địa phương cũng như lập kế hoạch đào tạo nghề phù hợp... Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn chế, do đó điều quan trọng nữa là Nông Sơn cần sự hỗ trợ từ phía cấp trên.