Đại Lộc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Ngoài việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, huyện Đại Lộc còn đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực.
Nâng giá trị sản xuất
Giai đoạn 2016 - 2021, ngành nông nghiệp Đại Lộc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và chú trọng quy hoạch, xem đây là nhiệm vụ, tiền đề cơ bản và quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng quy mô, tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ.
Theo đó, Đại Lộc định hướng quy hoạch diện tích cánh đồng lớn sản xuất giống lúa, đậu xanh gắn với liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ, định hướng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và đưa vào quy hoạch các vùng trồng rau an toàn.
Vụ đông xuân 2020 - 2021, diện tích liên kết sản xuất lúa giống toàn huyện là 1.637ha. Vụ xuân hè và hè thu năm 2020, có 10 HTX liên kết sản xuất giống với các đơn vị.
Các HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp, Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Cường... được xem là những đơn vị đi tiên phong, đã xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh, liên kết bền vững.
Giai đoạn 2016 - 2020, Đại Lộc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng với khoảng 800ha đất lúa chuyển đổi sang trồng cây màu. Nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi các thửa ruộng kém hiệu quả sang trồng bắp, khổ qua, ớt, chuối xuất khẩu cho giá trị cao.
Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, bên cạnh đẩy mạnh liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa, đậu xanh, huyện khuyến khích phát triển các mô hình trồng rau sạch, trồng nấm có hiệu quả kinh tế cao, có thể kể đến như sản phẩm rau sạch của HTX Đại Lộc Phát (Đại Tân) của ông Hứa Đại Xuân, Tổ hợp tác làm nấm Tân Phú Quý, nấm bào ngư của Công ty Đại Lãnh Phong...
“Để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp, phải xác định tích tụ ruộng đất là bước đi cần thiết, thông qua mở rộng diện tích, quy mô sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. UBND huyện đã xây dựng và trình Huyện ủy xem xét, ban hành nghị quyết về tích tụ ruộng đất, tạo động lực cho phát triển’ - ông Phương cho biết.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật
Tại Đại Lộc, nhiều nông dân mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, cho hiệu quả cao. Có thể kể đến ông Nguyễn Đức Cương (Đại Đồng), HTX chăn nuôi Trúc Hà (Đại Sơn), ông Phạm Ngọc Thành, ông Phạm Văn Phong (Đại Quang), ông Nguyễn Ngọc Biên, Trần Thị Thu Vân (thị trấn Ái Nghĩa), ông Đoàn Ngọc Quang, ông Trần Công Thôi (Đại Nghĩa) với mô hình nuôi heo khép kín, xây hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường…
Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn cho gia súc với diện tích trồng cỏ khoảng 240ha với các giống cỏ setaria, cỏ voi không lông, cỏ sả, mombosa...
Ngành nông nghiệp Đại Lộc đã ứng dụng thành công công nghệ truyền tinh nhân tạo cho heo, bò thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Đến năm 2020, tỷ lệ bò lai của huyện đạt hơn 90% tổng đàn.
Đại Lộc hiện có 53 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại (6 trang trại lớn). Toàn huyện có 190 lồng bè nuôi thủy sản với thể tích 12.785m3 (tại Đại Chánh, Đại Nghĩa, Đại Hiệp) với tổng sản lượng khoảng 550 tấn/năm. Ví như, hộ ông Trương Lành, Nguyễn Văn Ngọc (Đại Chánh), ông Huỳnh Châu, Nguyễn Trí Tài (Đại Hiệp)...
Theo ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, đơn vị đã phối hợp với một công ty của Bộ Quốc phòng triển khai công nghệ phun thuốc bằng máy bay không người lái và xây dựng mô hình trình diễn tại Đại Thắng; tiếp tục triển khai tại một vài địa phương.
Trong bối cảnh nguồn lao động gặp khó thì công nghệ này là hướng đi phù hợp. Cũng theo ông Thanh, Đại Lộc dẫn đầu về cải tạo và nâng chất lượng đàn bò thịt, bò 3B và mỗi năm đưa ra 8.000 - 9.000 liều tinh bò 3B, nâng chuẩn đàn bò giống. Hiện, tổng đàn bò toàn huyện là hơn 25.000 con và phát triển theo hướng bò lai rất mạnh. Mỗi năm, có khoảng 10.000 con bò 3B mới sinh ra.
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã thực hiện 2 đề tài khoa học & công nghệ cấp cơ sở gồm: “Mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn”, “Ứng dụng gieo ươm keo tai tượng Úc trên khay xốp” được đánh giá có tính ứng dụng cao từ thực tiễn.
Từ sự hỗ trợ của chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học & công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi”, Đại Lộc đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để khôi phục và phát triển vùng chè An Bằng, huyện Đại Lộc” với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách hơn 4 tỷ đồng.
UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng chế phẩm sinh học, sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng, hướng dẫn các kỹ thuật tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước (phun sương, nhỏ giọt). Xây dựng và tổ chức một số mô hình trình diễn giống lúa mới, giống đậu phụng, cây trồng năng suất, chất lượng cao; mô hình trồng cỏ cao sản nuôi bò, nuôi cá lồng bè...
Đưa công nghệ flycam quản lý vận hành lưới điện
Điện lực Đại Lộc được giao nhiệm vụ quản lý tổng số 52km đường dây trung thế 35kV, 267km đường dây trung thế 22kV, 472 đường dây hạ thế và 353 máy biến áp phụ tải. Để kịp thời phát hiện, hạn chế xảy ra sự cố lưới điện trung áp, Điện lực Đại Lộc đã áp dụng công nghệ flycam trong công tác kiểm tra các khiếm khuyết trên đường dây, hành lang lưới điện.
Theo ông Trương Tiến Dũng - Phó Giám đốc Điện lực Đại Lộc, việc ứng dụng công nghệ flycam trong quản lý, vận hành lưới điện không chỉ giúp Điện lực Đại Lộc khắc phục nhanh sự cố để cấp điện trở lại cho khách hàng, mà còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn cho công nhân vận hành lưới điện.
Cụ thể, số vụ sự cố 6 tháng đầu năm 2021 của đơn vị là 36 vụ (9 vụ là sự cố vĩnh cửu), giảm hơn 50% số vụ so với năm 2020. Đơn vị được Công ty Điện lực Quảng Nam xếp thứ nhất về độ tin cậy cung cấp điện và được khen thưởng trong công tác giảm thiểu sự cố 6 tháng đầu năm 2021. (B.L)
Đại Hiệp phấn đấu nâng thu nhập bình quân lên 60 triệu đồng/người/năm
Theo UBND xã Đại Hiệp, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích người dân tham gia hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của xã như ổi, dừa, lúa.
Thực hiện mô hình VietGAP tiến tới GlobalGap trên các sản phẩm nông nghiệp ổi, dừa, rau... Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Đại Hiệp, phấn đấu xây dựng thêm một mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả.
Đại Hiệp hiện có 42 công ty, 7 HTX dịch vụ và 32 tổ hợp tác, 350 cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 100%, thu nhập bình quân đầu người hơn 45,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0% (theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).
Đại Hiệp phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 45,2 triệu đồng/người/năm, đến năm 2025 đạt 60 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu giữ vững địa bàn xã không còn hộ nghèo. (T.N)
Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cựu chiến binh vay hơn 52,7 tỷ đồng
Theo Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đại Lộc, năm 2021, Đại Lộc có 5 doanh nghiệp CCB vừa và nhỏ, 2 HTX, 2 tổ hợp tác, 4 trang trại, 62 gia trại, 75 hộ kinh doanh nhỏ lẻ của CCB, thu hút hàng trăm lao động tham gia.
Các cấp hội CCB huyện đã phát huy nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số dư hơn 52,7 tỷ đồng, hỗ trợ 1.405 hộ vay vốn với 39 tổ tiết kiệm và vay vốn (38 tổ tốt, 1 tổ khá), tạo điều kiện cho hội viên đầu tư phát triển kinh tế.
Nhiều hội viên CCB đã đầu tư gia trại, trang trại (ao cá, trồng rừng, chăn nuôi heo, bò, gà siêu trứng, làm nấm các loại… hoặc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ). Bên cạnh hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ kênh ủy thác ngân hàng, các cấp hội CCB còn hỗ trợ góp vốn quay vòng giúp nhau làm kinh tế với số tiền gần 7,7 tỷ đồng, xây dựng quỹ hội bằng nhiều hình thức với số tiền hơn 1 tỷ đồng. (TRIÊU NHAN)