Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: Đột phá của Đông Giang

KHẢI KHIÊM 25/11/2021 05:44

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được huyện Đông Giang xác định là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chế biến nghệ đen để trở thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản vật bản địa. Ảnh: C.T
Chế biến nghệ đen để trở thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản vật bản địa. Ảnh: C.T

Tín hiệu tích cực

Chè dây Ra zéh được xem là dược liệu dân gian, sinh trưởng ở vùng đất xã Tư. Do khai thác ồ ạt, không nhân giống và chăm sóc, diện tích chè dây bị suy giảm, sản phẩm lại bảo quản thủ công nên dễ hư hỏng. Chưa kể, việc thu mua, trao đổi mang tính tự phát nên giá cả bấp bênh.

Từ khi Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Tư ra đời (cuối năm 2017), thực trạng nêu trên dần được khắc phục. HTX đứng ra vận động người dân trồng, khoanh nuôi, kết hợp thu mua, chế biến và tiếp thị sản phẩm.

Tuy nhiên, nhiều hạn chế vẫn chưa có cách khắc phục hiệu quả. Năm 2020, đề tài khoa học - công nghệ (KH-CN) về nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm cây chè dây Ra zéh được nghiệm thu, đã mang đến tín hiệu tích cực.

Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tư - ông Lê Duy Trường cho biết, đề tài ứng dụng vào thực tế, đến thời điểm này đã giúp hoàn thiện quy trình kỹ thuật từ nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế chè dây. Nhờ vậy, đơn vị mạnh dạn vận động nhiều hộ dân có diện tích khoanh nuôi, trồng chè dây tham gia làm thành viên với tổng diện tích khoảng 20ha.

Sản phẩm “Chè dây Ra Zéh” được chứng nhận nhãn hiệu tập thể độc quyền, xếp hạng OCOP đạt 3 sao và đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xem xét nâng hạng lên 4 sao. Không những giải quyết ổn định nguồn nguyên liệu, trồng chè dây còn giúp người dân có việc làm, mang lại mức thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha/năm và góp phần đưa xã Tư về đích nông thôn mới.

Một đề tài KH-CN khác đã nghiệm thu và đang được Đông Giang nhân rộng tại xã Mà Cooih, đó là nghiên cứu bảo tồn và phát triển ớt A riêu phục vụ sản xuất hàng hóa.

Hưởng lợi từ đề tài, HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih đã tiếp nhận vườn ươm giống ớt có công suất 240 nghìn cây/năm, được chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân giống bằng hạt, trồng, chăm sóc theo hướng nông nghiệp an toàn. Từ đây, đơn vị xây dựng vườn lưu giữ giống; hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho nông dân, đảm bảo về nguồn cung nguyên liệu để chế biến các sản phẩm từ ớt A riêu.

Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy chia sẻ, đề tài nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH-CN để trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cây nghệ đen tại xã Sông Kôn triển khai hơn 2 năm nay và vừa được nghiệm thu.

Nhờ kết quả nghiên cứu, các hộ tham gia đã nắm vững kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh và xây dựng mô hình trồng nghệ dưới tán rừng. Các đơn vị hưởng lợi còn được hướng dẫn và chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm nghệ khô, tinh bột nghệ cùng quy trình trồng, chăm sóc cây nghệ đen. Đây là cơ sở để địa phương nhân rộng, đưa sản vật bản địa thành sản phẩm hàng hóa, mở lối thoát nghèo cho người dân.

Đẩy mạnh ứng dụng

Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX xác định, tăng cường ứng dụng KH-CN vào sản xuất để phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương là một trong những nhiệm vụ đột phá cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Vì vậy, ngoài ứng dụng KH-CN vào cây chè dây Ra zéh, ớt A riêu hay nghệ đen, địa phương còn triển khai đề tài sản xuất giống, trồng và chế biến sản phẩm rượu tà vạt (ở xã Jơ Ngây, xã A Ting).

Một đề tài mới về tuyển chọn giống, xây dựng mô hình trồng cây dâu tây tại xã Tư cũng đã được xét chọn, bắt tay vào nghiên cứu từ năm 2020. Thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 của HĐND tỉnh, huyện sẽ áp dụng nhân rộng mô hình nuôi heo đen địa phương tại 2 xã Kà Dăng và Jơ Ngây.

Ông Nguyễn Đức Huy cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Giang lần thứ XIX là cơ sở để địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tham gia vào quá trình nghiên cứu, ứng dụng đề tài KH-CN.

Các đề tài đã chứng minh tính ưu việt, bám sát thực tế điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như tập quán sản xuất. Địa phương sẽ mạnh dạn dành nguồn lực để bố trí vốn đối ứng.

Đặc biệt, hiệu quả kinh tế là rõ ràng khi sản phẩm trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định và gia tăng giá trị, góp phần giải quyết việc làm, xóa cảnh “ăn xổi” trước đây. Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch mạnh mẽ, nguồn gien cây, con giống bản địa được duy trì và phát huy.

Theo ông Hồ Quang Minh, thời gian tới, Đông Giang sẽ tiếp tục nhân rộng các đề tài KH-CN đã nghiệm thu vào thực tế, nâng tầm sản phẩm có giá trị cao hơn; phối hợp nghiên cứu, hoàn thành một số đề tài mới. Từ nguồn vốn khuyến công, huyện sẽ hỗ trợ các HTX, chủ cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP, đầu tư máy móc thiết bị, nhãn mác, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Đông Giang kiến nghị, tỉnh nên cấp kinh phí hỗ trợ theo quy mô đề tài KH-CN mà địa phương đang triển khai, tránh cấp theo bình quân các huyện. Quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho địa phương nhân rộng các đề tài cho thấy tính hiệu quả, nâng tầm sản phẩm để đạt chuẩn OCOP, cải thiện sinh kế nông hộ, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ du lịch.

KHẢI KHIÊM