Thanh niên trồng rau sạch

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 01/11/2021 11:25

(QNO) - Rời TP.Hồ Chí Minh, thanh niên Huỳnh Đức Khanh (SN 1995, thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, Thăng Bình) quay về quê nhà đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Hiện mô hình trồng rau kết hợp chăn nuôi giúp anh thu nhập mỗi tháng hơn 15 triệu đồng.

thanh niên Huỳnh Đức Khanh
Thanh niên Huỳnh Đức Khanh với mô hình trồng rau sạch. Ảnh: B.T

Trước kia hơn 3 sào đất cát của gia đình anh Huỳnh Đức Khanh được tận dụng để trồng rau màu các loại. Tuy nhiên trong 12 tháng, gia đình chỉ sản xuất được chừng nửa năm thì bỏ hoang vì ngập nước.

Nhận thấy tiềm năng sản xuất rau màu ở quê nhà, đầu năm 2020 anh Khanh từ bỏ công việc thành phố để trở về quê. Một quyết định khó khăn, bởi anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành cơ điện tử; trong khi ba mẹ anh cũng không đồng ý với quyết định này. Nhưng rồi, những ngày trở về, vừa theo chân ba mẹ trồng rau vừa học hỏi trên internet, anh quyết định đầu tư khoảng 300 triệu đồng làm nhà vòm trồng rau hữu cơ.

Rau được trồng trong nhà vòm. Ảnh: B.T
Phần lớn diện tích được trồng rau càng cua. Ảnh: B.T

Theo anh Khanh, nếu trồng rau truyền thống như gia đình từng làm thì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đồng thời phải dùng thuốc bảo vệ thực vật để khống chế sâu bệnh gây hại. Còn đối với trồng rau hữu cơ trong nhà vòm thì hoàn toàn ngược lại, hạn chế được sâu bệnh dẫn đến chất lượng rau tốt hơn.

Hiện anh trồng các loại rau như rau mùi, húng quế, rau lang và rau càng cua. Trong đó rau càng cua là chủ đạo, cung ứng cho nhà hàng, quán ăn và chợ truyền thống. “Rau càng cua rất dễ trồng mà khó giữ. Rau này không chịu được nắng, càng không thể chịu mưa. Do vậy trồng trong nhà vòm đáp ứng được 2 vấn đề trên. Ngoài ra, trong nhà vòm tôi còn trồng bằng luống và trồng thủy canh để đáp ứng nhu cầu của thị trường” - anh Khanh nói.

Anh Khanh còn áp dụng trồng rau thủy canh. Ảnh: B.T
Anh Khanh còn áp dụng trồng rau thủy canh. Ảnh: B.T

Anh Khanh cho rằng, trồng rau sạch theo hướng công nghệ thì bán ra thị trường giá thành phải cao hơn trồng truyền thống, song nếu giảm được chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất thì có thể hạ giá bán. “Tôi nuôi thả thêm 10 con bò giống để nâng thu nhập, tận dụng phân bò bón cho rau rất tốt, tiết kiệm được chi phí, ít sâu bệnh. Vì thế rau có giá thành phải chăng” - anh Khanh cho biết.

Qua khảo sát, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đã quyết định hỗ trợ sau đầu tư cho mô hình của anh Huỳnh Đức Khanh 180 triệu đồng từ chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp của huyện.

BÒ
Anh Khanh nuôi thêm bò giống để tăng thu nhập, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: B.T

Theo ông Nguyễn Xuân Cẩm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, hiện nay trên địa bàn có nhiều mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Bình Dương, Bình Phục, Bình Minh, Bình Trung. Mô hình của anh Khanh thể hiện bản lĩnh thanh niên dám nghĩ, dám làm trên con đường lập thân, lập nghiệp để vươn tới thành công.

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC