Nông Sơn nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

NHÃ PHƯƠNG - ANH ĐÔNG 29/10/2021 08:06

Gần đây, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái bùng phát tại nhiều nơi của Nông Sơn khiến nhiều đàn heo mắc bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc. Ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm khống chế sự lây lan của vi rút gây bệnh.

Hơn nửa tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đã làm 410 con heo ở nhiều nơi của huyện Nông Sơn bị mắc bệnh chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Ảnh: Đ.P
Hơn nửa tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đã làm 410 con heo ở nhiều nơi của huyện Nông Sơn bị mắc bệnh chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Ảnh: Đ.P

Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho hay, đầu năm 2021 bệnh DTLCP xuất hiện tại 6 hộ dân ở 5 thôn của 3 xã Quế Lâm, Ninh Phước, Quế Trung khiến 72 con heo bị mắc bệnh chết, phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 3 tấn heo hơi. Tạm yên hơn 8 tháng, từ ngày 9.10 đến nay loại dịch này tái bùng phát và lây lan tại nhiều địa phương của huyện.

“Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn nửa tháng qua DTLCP đã làm 410 con heo của 39 hộ dân ở 13 thôn thuộc các xã Quế Trung, Quế Lộc, Phước Ninh, Sơn Viên, Ninh Phước bị mắc bệnh chết, phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 19 tấn heo hơi. Trước tình hình đó, ngày 22.10 vừa qua UBND huyện Nông Sơn có quyết định công bố dịch trên địa bàn huyện” - ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, do loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin tiêm phòng, trong khi đó nhiều hộ dân chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và những ngày qua trời mưa kéo dài, xảy ra tình trạng ngập lụt... nên thời gian tới nguy cơ mầm bệnh sẽ bùng phát mạnh hơn.

Để hạn chế thiệt hại, UBND huyện và Phòng NN&PTNT Nông Sơn đã đề nghị Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tích cực phối hợp với chính quyền các xã có dịch áp dụng nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng khống chế, dập tắt DTLCP.

Trong đó, phải giám sát chặt chẽ đàn heo, kịp thời phát hiện những con heo có triệu chứng mắc bệnh, tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm và khẩn trương tổ chức tiêu hủy các con heo có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc những con heo chết, nghi nhiễm DTLCP theo đúng quy định, không để vi rút gây bệnh lây lan diện rộng.

Cùng với đó, địa phương huy động nhân lực, phương tiện, hóa chất phun tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên kể từ khi phát sinh ổ dịch và 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo.

Hạn chế tối đa các cuộc tham quan, hội họp đông người, đi lại giữa vùng dịch và vùng chưa có dịch. Đặc biệt, hướng dẫn người dân thực hiện hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc. Trường hợp được buôn bán, giết mổ thì heo phải có kết quả xét nghiệm âm tính với DTLCP không quá 10 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm.

Còn đối với xã Quế Lâm - địa phương chưa xuất hiện DTLCP, UBND huyện Nông Sơn yêu cầu ngành liên quan và chính quyền cơ sở cần tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh; rà soát đàn heo hiện có và xây dựng cụ thể các phương án phù hợp để chủ động phòng chống dịch.

“Thời gian qua, ngành nông nghiệp Nông Sơn đã xuất cho các địa phương 580 lít hóa chất để tổ chức phun tiêu độc trên phạm vi rộng. Người dân nhiều nơi của huyện cũng tự bỏ tiền mua gần 2 tấn vôi bột rắc khử trùng chuồng trại và các khu vực xung quanh nhằm ngăn chặn sự phát tán của vi rút gây bệnh DTLCP” - ông Thắng nói thêm.

NHÃ PHƯƠNG - ANH ĐÔNG