Thấp thỏm vụ hoa tết
Lo ngại thời tiết thất thường, nhiều nông dân đã chủ động xuống giống sớm các loại hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.
Theo thông lệ, từ khoảng cuối tháng Tám âm lịch, nông dân trồng hoa ở các nơi bắt tay vào việc xuống giống để xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng, trước dự báo thời tiết diễn biến thất thường, mưa bão nhiều cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm nay nhiều nhà vườn đã thay đổi phương thức sản xuất để chủ động ứng phó.
Tại làng hoa cúc phường Điện Nam Trung (Điện Bàn) những ngày này, nông dân tất bật chăm sóc vườn hoa đã gieo giống từ hơn một tháng trước. Ông Đặng Thái (khối phố Quảng Lăng A) cho biết, tính riêng Điện Nam Trung đã có hơn 300 hộ trồng hoa tết. Vườn nào cũng đã xuống giống nên không khí rộn ràng hẳn lên.
Dù có nhiều kinh nghiệm sản xuất và hoa đang phát triển tốt nhưng với thời tiết và dịch bệnh thất thường thế này thì nhiều người không khỏi lo lắng, nhiều hộ đã cắt giảm đáng kể lượng giống gieo trồng. Riêng gia đình ông Thái cắt giảm hơn một nửa số cây trồng.
“Thường mỗi vụ tết tôi trồng từ 1.500 – 2.000 chậu cúc pha lê, bán rất chạy, thu lãi được mấy chục triệu đồng. Nhưng năm nay tôi chỉ trồng khoảng 800 chậu. Cắt giảm số lượng đồng nghĩa với lợi nhuận sẽ giảm nhưng như thế sẽ chủ động hơn trong sản xuất, bớt lo hơn về đầu ra” – ông Thái nói.
Là nông dân có thâm niên trồng hoa tết, ông Huỳnh Tấn Ri (Điện Nam Trung) cho biết, trồng hoa trong thời điểm thời tiết, dịch bệnh phức tạp ai cũng gặp khó khăn, nhưng theo nghề này, tết mà không trồng hoa thì không biết làm gì khác.
“Do dịch phức tạp, đi lại khó khăn cộng với chi phí đầu vào tăng khoảng 20% so với mọi năm nên gia đình tôi không thuê nhân công. Vợ chồng con cái, mỗi người chia nhau mỗi việc, thời buổi này giảm chi phí được phần nào hay phần đó” – ông Ri chia sẻ.
Khác với những hộ nông dân ở Điện Nam Trung, anh Châu Ngọc Thu (Tam Xuân 2, Núi Thành) lạc quan tin rằng từ đây đến tết tình hình dịch bệnh sẽ được cải thiện. Thế nhưng, vì lo ngại thời tiết thất thường nên anh cũng chủ động gieo giống sớm hơn nửa tháng so với mọi năm.
Vụ hoa tết năm nay, anh Thu trồng hơn 3.000 cây hoa cúc. Vì giá cây giống và nhân công tăng cao nên anh tranh thủ thời gian tự tay đúc hàng nghìn vỏ chậu. Nhờ thế, vụ này anh đã tiết kiệm được hơn 30% chi phí ban đầu.
Anh Thu cho biết: “Trồng hoa cúc không khó nhưng để hoa nở đẹp và đúng vụ thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Người trồng hoa phải biết cách chăm sóc và theo dõi sát tình hình thời tiết để có biện pháp ứng phó.
Mỗi ngày tôi theo dõi và xử lý lượng nước, thuốc trừ sâu đúng liều lượng để phòng sâu bệnh và ngập úng. Khoảng 15 – 20 ngày, bấm ngọn cây 1 lần để cây tỏa nhiều nhánh… Ngoài ra, tôi còn chong đèn thường xuyên từ nay đến gần tết để cây cao lớn và hoa nở đẹp, đúng vụ tết, bán được giá hơn…”.
Tại xã Duy Trung (Duy Xuyên), chị Nguyễn Thị My Na – chủ vườn hoa kiểng Sơn Na cũng đang thấp thỏm lo vụ hoa tết. Mọi năm vườn hoa Sơn Na cung ứng hoa cúc pha lê kiểng cho thị trường hoa Đà Nẵng rất nhiều, năm nay chị Na e dè sợ không có đầu ra.
Vì vậy, thay vì trồng cúc như mọi năm, chị gieo giống 50 nghìn chậu dạ yến thảo và một số loại hoa kiểng giá rẻ. Xen lẫn những lo lắng về thời tiết, thị trường tiêu thụ, chị Na vẫn hy vọng có mùa hoa tết bội thu…