Bảo tồn nguồn gen giống lúa rẫy

HOÀNG LIÊN 21/10/2021 10:07

Việc bảo tồn nguồn gen các giống lúa rẫy, tạo bộ giống xác nhận đạt chuẩn, nâng chất lượng giống và năng suất lúa là thành quả từ đề tài “Điều tra tình hình phân bố và phục tráng nguồn giống một số cây nông nghiệp: lúa rẫy (nhe mùa, ba trăng, ba toon) và ngô nếp Hội An”, do kỹ sư Nguyễn Định chủ nhiệm, triển khai giai đoạn 2014 - 2021.

Khu vực sản xuất thực nghiệm giống lúa rẫy miền núi. Ảnh: H.L
Khu vực sản xuất thực nghiệm giống lúa rẫy miền núi. Ảnh: H.L

Suốt 7 năm qua, kỹ sư Nguyễn Định (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Nam) và cộng sự đã phục tráng thành công các giống lúa rẫy nhe mùa (giống cà dố đỏ), ba trăng trắng, ba toon đặc thù của vùng núi Quảng Nam.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một số mô hình bảo tồn giống gốc; xây dựng mô hình sản xuất hạt giống xác nhận phục vụ mục tiêu bảo tồn gen, tránh lai tạp, thoái hóa giống và xây dựng các mô hình sản xuất trình diễn từ các giống phục tráng.

Theo kỹ sư Nguyễn Định, miền núi Quảng Nam có 77 giống lúa rẫy, phân bố tại 426 thôn của 70 xã thuộc 8 huyện miền núi với tổng diện tích hơn 5.724ha. Trong đó, huyện Đông Giang, Nam Giang là địa phương có diện tích lúa rẫy nhiều nhất. Song nhóm chỉ chọn phục tráng, bảo tồn 3 giống trên vì đây là các giống cho gạo ngon, quý, đứng trước nguy cơ lai tạp.

Cả 3 giống lúa đã được nhóm nghiên cứu phối hợp với người dân trồng thực nghiệm sau khi phục tráng thành công. Diện tích sản xuất thực nghiệm là 5.000m2 với mỗi giống lúa. Các mô hình phục tráng giống được gieo sạ theo phương thức truyền thống của đồng bào miền núi.

Rẫy được chọn phải là rẫy dế, 4 - 5 năm không sản xuất, các khâu phát dọn thực bì, đốt rẫy, thời vụ gieo tỉa theo lịch truyền thống. “Dù thời điểm lúa trổ và sinh trưởng ở các mô hình gặp điều kiện thời tiết bất lợi như nắng hạn vào tháng 5, 6 và mưa bão vào tháng 8, 9, song nhìn chung không ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa” - kỹ sư Định nói.

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ nhận xét, đề tài đã đóng góp vào công tác bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, nhất là các giống lúa rẫy và bắp bản địa. Song, bên cạnh nhiệm vụ bảo tồn phải hướng tới thích ứng với sự phát triển, phù hợp với các chủ trương của tỉnh.

Cần xây dựng các giải pháp tương xứng với kết quả công tác bảo tồn, phục tráng giống. Hiện xu hướng dùng sản phẩm hữu cơ, sản phẩm bản địa khá phổ biến, nhất là phong trào OCOP đã mở ra cơ hội thuận lợi cho sản phẩm truyền thống.

ThS. Nguyễn Đình Thành (Sở NN&PTNT) cho rằng, vấn đề được quan tâm là hậu nghiệm thu, kết quả sẽ chuyển giao về đâu, cần có những dự án sản xuất thử nghiệm giống lúa rẫy, bắp nếp bản địa, tạo sản phẩm hàng hóa.

Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh một số nhiệm vụ về bảo tồn gen và sẽ nghiên cứu đưa nội dung bảo tồn và phát triển nguồn gen lúa rẫy vào danh mục.

Một số chuyên gia phản biện ở Đại học Huế đánh giá cao đề tài và đề nghị cần có những nghiên cứu tiếp theo nhằm tạo sản phẩm cuối cùng, có giá trị thương mại. Cần xem xét di thực giống lúa rẫy xuống vùng gò đồi, phù hợp với chủ trương, lại vừa bảo tồn và phát triển được nguồn gen quý.

HOÀNG LIÊN