Bảo tồn và phát triển nguồn gen giống lúa rẫy, bắp nếp Hội An
(QNO) - Ngày 15.10, Sở KH&CN tổ chức nghiệm thu đề tài “Điều tra tình hình phân bố và phục tráng nguồn giống một số cây nông nghiệp: lúa rẫy (nhe mùa, ba trăng, ba toon) và bắp nếp Hội An”.
Đề tài do Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam chủ trì, kỹ sư Nguyễn Định chủ nhiệm. Đề tài triển khai trong 7 năm (tháng 8.2014 - 7.2021) với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng.
Nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra, đánh giá tình hình sản xuất, phân bố, xác định tiềm năng ứng dụng và thị trường các giống lúa và bắp bảo tồn; thu thập, mô tả các đặc điểm hình thái, tính trạng đặc trưng, đánh giá các đặc tính quý của nguồn gen các giống bảo tồn.
Nhóm đã phục tráng các giống lúa rẫy, bắp Hội An; bảo tồn nguồn gen và xây dựng một số mô hình bảo tồn nguồn giống. Các mô hình phục tráng được đánh giá phát huy hiệu quả thực tiễn qua từng vụ, từng địa phương.
Ban chủ nhiệm đề tài chọn các địa bàn phục tráng và xây dựng mô hình phục tráng gồm: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức và Núi Thành, trong đó tập trung ở 6 huyện miền núi, có sự tham gia của cộng đồng. Giống sản xuất được kiểm định chất lượng, bảo quản giống sau thu hoạch.
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa rẫy, bắp nếp Hội An; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân trồng trên đất nương rẫy. Qua đó đề xuất các giải pháp bảo tồn 3 giống lúa rẫy (cà dố đỏ, ba trăng trắng, ba toon), giống bắp nếp Hội An cũng như các cơ chế, chính sách và giải pháp góp phần bảo tồn và phát triển các giống nghiên cứu.
Theo kỹ sư Nguyễn Định và cộng sự, toàn tỉnh có khoảng 77 giống lúa rẫy song trải qua thời gian dài, nguồn giống bị thoái hóa, lẫn tạp nhiều, độ đồng đều không cao, thời gian kéo dài, chất lượng gạo giảm. Do đó đề tài chọn lọc bảo tồn 3 giống lúa có tiềm năng này. Còn bắp nếp Hội An là giống lâu đời, nổi tiếng, sản phẩm gắn liền với phát triển du lịch nhưng giống đã bị thoái hóa dần, làm xói mòn nguồn gen quý.