Nông Sơn: Hiệu quả từ các mô hình tưới tiết kiệm nước

TÂM LÊ - MINH THÔNG 06/10/2021 08:07

Để ứng phó với tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Nông Sơn mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nên vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Quang Khánh (thôn Đại Bình, xã Quế Trung) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: LÊ THÔNG
Nhờ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nên vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Quang Khánh (thôn Đại Bình, xã Quế Trung) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: LÊ THÔNG

Với 2 khu vườn rộng 7.500m2, gia đình ông Nguyễn Quang Khánh (thôn Đại Bình, xã Quế Trung) quy hoạch thành 3 khu trồng cây ăn quả với 80 cây bưởi da xanh, 18 cây bưởi trụ Đại Bình, 12 cây sầu riêng.

Ngoài ra, ông Khánh trồng xen một số loại cây ăn quả như lòn bon, cam, quýt, vú sữa… để rải vụ trái cây cung cấp quanh năm. Từ năm 2018, ông Khánh đã đầu tư 40 triệu đồng xây dựng bể chứa nước 10m3 và hệ thống tưới phun mưa dưới gốc cây.

Theo ông Khánh, hệ thống này giúp lượng nước được phân phối đồng đều cho cây trồng và được điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, theo hệ thống tưới, phân bón hòa tan trong nước được đưa đến tận gốc cây, không gây xói mòn rễ. Nhờ đầu tư bài bản, đến nay mỗi năm gia đình ông Khánh thu nhập khoảng 250 - 300 triệu đồng từ vườn trái cây.

“Lợi ích từ việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước là rất lớn, tiền điện hao tốn hằng tháng không cao nhưng hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm hệ thống tưới mưa trên cao để giúp cây ăn quả phát triển tốt hơn” - ông Khánh nói.

Năm 2018, ông Phan Ngộ (thôn Đại Bình, xã Quế Trung) phá bỏ vườn tạp, quy hoạch lại khu vườn rộng hơn 5.000m2 của gia đình, chia thành 2 khu trồng gần 350 cây cam tiến vua, bưởi trụ Đại Bình, sầu riêng đúng khoảng cách, quy trình hướng dẫn. Ông Ngộ còn đầu tư 250 triệu đồng đào giếng, xây dựng bể chứa, lắp đặt hệ thống tưới mưa trên cao và tưới nhỏ giọt cho toàn diện tích vườn.

Ông Ngộ chia sẻ, khi cây còn nhỏ thì sử dụng tưới nhỏ giọt, đến khi cây cao 2m thì tưới mưa. Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt, mỗi ngày đêm cung cấp 16m3 nước cho cả vườn.

“Sử dụng kết hợp 2 hệ thống này giúp phát huy tối đa hiệu quả tưới, cung cấp nước đều toàn bộ cây, vừa giữ ẩm cho bộ rễ phát triển vừa làm mát thân cây, lá và quả, chống cháy lá, giúp quả đạt chất lượng cao. Nhờ đó cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt dù thời tiết nắng nóng khắc nghiệt” - ông Ngộ nói.

Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại được xác định là thế mạnh của địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, huyện đã hỗ trợ người dân có diện tích vườn lớn đầu tư phát triển kinh tế vườn, đặc biệt là trồng các loại cây ăn quả.

Nhờ thực hiện đúng quy trình, áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư hệ thống nước tưới nên đến nay nhiều vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu cùng những diễn biến bất thường của thời tiết khiến nhiều diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện thiếu nước tưới.

Trên cơ sở Quyết định 559 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, huyện Nông Sơn sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ tưới tiên tiến cho những hộ làm kinh tế vườn, kinh tế trang trại, nhất là những vườn trồng cây ăn quả.

“Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng là biện pháp hữu hiệu thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân” - ông Tùng nói.

TÂM LÊ - MINH THÔNG