Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật
(QNO) - Sáng nay 17.9, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh động vật thời gian qua và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến đầu năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng lãnh đạo một số ngành liên quan tham dự tại điểm cầu Quảng Nam.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2021 đến nay cả nước có 99 xã của 29 tỉnh, thành xảy ra dịch cúm gia cầm, tổng số gia cầm bị nhiễm dịch phải tiêu hủy bắt buộc là 373.043 con (tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2020).
Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục gây hại tại 1.498 xã của 50 tỉnh, thành khiến 93.261 con heo mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc (cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Đặc biệt, trong hơn 8 tháng qua, bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 3.936 xã của 51 tỉnh, thành làm 187.970 con trâu, bò nhiễm dịch, trong đó có 24.890 con phải tiêu hủy bắt buộc. Hiện nay, cả nước có 969 ổ dịch tại 183 huyện của 32 tỉnh, thành chưa qua 21 ngày.
Còn tại Quảng Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 12.473 con gà nhiễm dịch cúm gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc. Dịch tả lợn châu Phi làm hơn 4.800 con heo mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc và bệnh viêm da nổi cục làm gần 5.700 con trâu, bò nhiễm dịch (trong đó có 766 con chết)...
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, thời gian tới nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra là rất cao. Vì vậy, các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN&PTNT và chính quyền các địa phương cần chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.
Theo đó, các tỉnh, thành phải tập trung kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định tại Quyết định số 414 (ngày 22.3.2021) của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là việc tổ chức tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi và đối phó với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Các địa phương cần có kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí mua vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò với mục tiêu đảm bảo đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm phòng. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Thú y lưu ý, riêng đối với bệnh viêm da nổi cục, ngành liên quan và chính quyền các cấp cần tích cực hướng dẫn người chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch. Tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt các tác nhân lây truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve...
Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ trâu, bò...